Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 25/3/2023, 00:00 (GMT+7)

Nhiều trạm y tế ở Gia Lai xuống cấp

59 trạm y tế xã xuống cấp, tường thấm nước, nứt nẻ, rêu mốc cùng hệ thống điện, nhà vệ sinh bị hư hỏng.

Trạm y tế xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2000, trên diện tích xây dựng gần 200 m2, gồm nhà làm việc, khu vệ sinh, cổng, tường rào...

Sau hơn 20 năm đưa vào hoạt động, đến nay tường nhà làm việc trạm y tế này xuất hiện nhiều vết rạn nứt, sơn bong tróc và thấm nước vào mùa mưa.

Hệ thống điện của trạm bị hư hỏng sau nhiều lần sửa chữa. Đơn vị phải bắt đường dây và lắp bóng đèn trên ô thông gió tại khu nhà làm việc. Ngoài ra, trần nhà cũng bị thấm nước, hoen ố từng mảng lớn khi mưa kéo dài.

Ông Đinh Văn Tứ, Trạm trưởng y tế xã Nghĩa Hưng cho biết, đơn vị có 7 cán bộ đang làm việc, phục vụ khám chữa bệnh cho khoảng 10.000 dân địa phương, song công trình đã xuống cấp, gây ảnh hưởng việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Đưa vào hoạt động từ năm 2006, Trạm y tế xã Ia Phí, huyện Chư Păh với diện tích 130 m2, cũng có nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp.

Trần nhựa ở hành lang và phòng điều trị bệnh nhân bị mục nát, những tấm nhựa còn lại có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Trạm này hiện có 5 cán bộ, chăm sóc khoẻ cho hơn 7.000 dân địa phương.

Đường dây điện chằng chịt cùng mạng nhện khắp trần nhà làm việc ở Trạm y tế xã Ia Phí.

Tường phòng khám ở xã Ia Phí bị mối mọt, hoen ố từng mảng lớn.

Người dân chờ để được thăm khám tại nhà làm việc của Trạm y tế xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa hôm 22/3.

Khu nhà này có 5 phòng, rộng gần 90 m2. Công trình được xây dựng, hoàn thành năm 2000, đến nay đã hết thời gian khấu hao sử dụng.

Nhà vệ sinh trạm y tế xã Tân Bình không có cửa. Các cán bộ ở đây phải dùng những tấm bảng để che chắn tạm thời.

Trạm Y tế xã Dun, huyện Chư Sê được xây dựng từ năm 1994. Sau gần 30 năm sử dụng, lớp sơn đã bong trốc, la phông hoen rỉ, nền xi măng nứt nẻ. Mùa mưa trạm thường bị thấm dột và nước từ bên ngoài tràn vào.

Căn phòng làm việc mới được xây cũng bắt đầu xuống cấp.

Trang thiết bị trạm tương đối đầy đủ song hạ tầng không đảm bảo cho việc bảo quản.

5 cán bộ ở trạm y tế xã Dun đang sử dụng nguồn nước từ giếng đào 20 m. Vào mùa khô, giếng nước cạn, các nhân viên phải đi xách nước từ nhà dân quanh trạm để sử dụng.

Cổng sắt Trạm y tế xã Dun hoen rỉ, hư hỏng nên gia súc thường xuyên vào khuôn viên trạm.

Năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp 59 trạm y tế xã, nhằm nâng cao dịch vụ y tế, với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2022-2023.

Trạm y tế xã phường nhiệm vụ dự phòng (tiêm chủng, phòng chống dịch, giáo dục tuyên truyền) và điều trị (chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý các bệnh mạn tính, sơ cấp cứu tại cộng đồng). Nếu y tế cơ sở làm tốt hai công việc trên sẽ giảm áp lực cho các tuyến trên.

Hiện cả nước có khoảng 11.000 trạm y tế phường, xã. Chưa có số liệu thống kê, song qua một số khảo sát cho thấy mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt ở xã miền núi, trang thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Trần Hoá