Thông tin về việc đại biểu quốc hội "không thông qua việc cấm uống rượu lái xe" khiến nhiều người bất ngờ và chỉ trích. Tuy nhiên, Việt Nam trước giờ vẫn có luật cấm uống rượu lái xe. Mới cách đây vài tháng đã có thông tin công an "phục kích" gần quán nhậu để thử nồng độ cồn khách nhậu và bao người còn bảo đó là phản cảm.
Tức là Việt Nam đang có luật hiện hành về cấm lái xe sau khi uống rượu. Cái đáng nói là vì sao dư luận lại cho rằng luật này không tồn tại, tới nỗi bao người hiểu nhầm là quốc hội đang xem xét thông qua luật này?
Một phần do vấn đề hành pháp đối với tội uống rượu lái xe gần như không tồn tại. Phần còn lại là thái độ của người dân đối với việc này. Bạn đã có biết ai lái xe về nhà sau khi đã ngà say không? Chắc là có. Bạn đã có biết ai bị phạt vì tội lái xe khi say rượu không? Chắc là không.
Người dân đa phần vẫn không chịu nhìn nhận rằng uống rượu lái xe là một tội rất nặng bởi tính chất nguy hiểm của nó. Người lái xe trong tình trạng say xỉn hoàn toàn có thể gây chết người hay thương tật cho nhiều người khác. Vậy mà nhiều người còn phân bua rằng đi làm về rồi đi nhậu, nếu không cho lái xe về thì sao về được, trong khi xe ôm đầy ra. Đại khái là một chầu nhậu dường như quan trọng hơn mạng sống của nhiều người.
Ở một góc khác, hình phạt cho tội uống rượu lái xe quá nhẹ, chỉ dừng lại ở mức phạt tiền, hơn nữa là bị tước giấy phép lái xe vài tháng. Mức phạt này không đủ răn đe. Khi kết hợp tất cả những điều này lại không có gì quá khó hiểu khi nhiều người nghĩ rằng luật về uống rượu lái xe ở Việt Nam không tồn tại.
Ở Mỹ, tội này bị phạt rất nặng. Thời gian bị giam giữ ít nhất cũng vài ngày trong trường hợp phạm tội lần đầu mức độ nhẹ, lên tới vài năm tù giam, rồi bị phạt tiền, phải đi học các lớp dạy về trách nhiệm khi lái xe và uống rượu suốt cả năm, mất bằng lái trong khoảng thời gian dài, khi có bằng lại thì xe có nguyên một cái máy hơi thở, ngồi xuống thổi vào, nếu có rượu thì xe sẽ tự khóa lại, khỏi chạy. Các công ty và cơ quan nhà nước đều có quy định là bị kết tội uống rượu lái xe thì sẽ bị đuổi việc.
Với những hình phạt nghiêm khắc như vậy thì người uống rượu mới không lái xe. Nồng độ cồn trong máu cho phép ở Mỹ là 0.08 miligam/1 lít khí thở, tức là cao hơn ở Việt Nam, nhưng họ làm rất nghiêm.
Ở Mỹ những buổi tối lễ lạt hay cuối tuần thì cảnh sát sẽ "giăng bẫy" trên xa lộ, dừng xe lại và bắt các tài xế tới để thử hơi thở. Các quán rượu thì thế nào cũng có cảnh sát lượn lờ xung quanh. Ngay ở Australia và hầu hết các nước phát triển đều như vậy.
Tỉ lệ người tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam rất cao, mà rượu gây ra rất nhiều tai nạn. Do hạn chế về hành pháp cũng như phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở và máu mà vấn đề này vẫn không nhận được sự quan tâm đúng mức. Những ai đã là nạn nhân của tai nạn giao thông đều biết mức độ đau thương của việc bị xe tông, nhưng những lúc đó chắc cũng ít ai còn quan tâm tới nồng độ rượu bởi vì còn phải cấp cứu những người liên quan.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng hiện giờ là tăng hình phạt của tội này lên theo mức tương đương thế giới. Thực thi luật pháp là việc của nhà nước, còn người dân thì đừng có uống rượu lái xe. Với tỉ lệ uống rượu hàng đầu thế giới, người Việt Nam còn có tỉ lệ tham gia điều khiển xe cộ cao hàng đầu khi xe máy là phương tiện cực kì phổ biến. Kết quả sau cùng là rượu cũng giống như con ma vô hình bám theo bao người trên đường.
Người dân cần ủng hộ việc công an "rình rập" trước quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn. Ấy vậy mà việc làm này của công an lại bị ném đá là "phản cảm". Với nhiều người có quan điểm như vậy thì bảo sao bao người vẫn mù mờ về vấn đề uống rượu lái xe.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh