Bệnh lý sàn chậu tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu; trên 50 tuổi, cứ 5 người thì có một người bị sa từ hai cơ quan trở lên.
Sàn chậu là cơ quan nằm thấp bên dưới ổ bụng của người phụ nữ, có nhiệm vụ nâng đỡ các tạng phía trên bao gồm bọng đái, tử cung và trực tràng. Vì một số lý do như mang thai, sinh nở hoặc mắc một bệnh lý khiến ổ bụng phải chịu áp lực lớn như ho mãn tính, táo bón kinh niên... sàn chậu bị phá vỡ cấu trúc hoặc giãn nhão cấu trúc.
Các cơ quan sa ra ngoài thông qua lỗ âm đạo, gây nên tình trạng sa sinh dục (thuật ngữ y khoa gọi là sa tạng chậu). Khi mắc bệnh lý này, người bệnh sẽ gặp phải một số rối loạn ở đường tiểu như khó tiểu, tiểu lắt nhắt hoặc đi tiểu không cầm được; đại tiện khó khăn hoặc không cầm được; chảy máu, chảy nước vàng vùng kín; khó đi lại...
Như trường hợp của bà Thanh Giang, 78 tuổi (Hóc Môn, TP HCM) mắc bệnh gần chục năm nay. Thời gian đầu bà chỉ thấy có phần mô thừa ở âm đạo, không có biểu hiện gì nên bỏ qua. Cách đây một năm, các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn: ra huyết bất thường, chảy nước vàng, nấm vùng bẹn và âm đạo, viêm loét, khó tiểu, đi lại khó khăn do vướng khối sa.
Đến bệnh viện khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân lớn tuổi, có khối viêm loét quá lớn trên cổ tử cung và thành âm đạo, gây sa tử cung, sa bọng đái, sa trực tràng trên nền nhiều bệnh lý nội khoa mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, hẹp mạch vành, phải uống thuốc giảm kháng đông liên tục...
BSCKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết với bệnh nhân này, có quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thực hiện phẫu thuật.
"Tuy nhiên, chứng kiến chất lượng cuộc sống sụt giảm nghiêm trọng do khối sa ngày càng lớn, bị chảy máu và nhiễm trùng, cản trở đi lại, gây tiểu khó... chúng tôi quyết tâm phẫu thuật", bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Cuộc phẫu thuật có sự phối hợp của các chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa như Nội tiết, Tim mạch, phòng mổ hiện đại và êkíp gây mê hồi sức. Sau khi được cắt bỏ tử cung toàn phần, may nâng đỡ thành âm đạo và vùng sàn chậu, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, tiểu dễ, đi lại ngay trong ngày và xuất viện chỉ 3 ngày sau đó.
Sau phẫu thuật, bà Giang chia sẻ: "Tôi cảm thấy dễ chịu hơn, đi lại nhẹ nhàng, không khó chịu khi ngồi, tiểu dễ, hết viêm nhiễm vùng kín".
Tương tự bà Giang, một cụ bà 68 tuổi (TP HCM) bị sa bàng quang và tử cung, khiến mỗi lần đi tiểu phải đẩy khối sa lên, rất đau đớn và bất tiện. Ban đầu, bà được chỉ định khám chuyên khoa Tiết niệu do gặp vấn đề tiểu khó. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện khối sa nên chuyển bà sang Trung tâm Sản Phụ khoa để làm phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, trung tâm tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sa sinh dục kèm theo túi sa trực tràng độ 3, cộng với nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh mạch vành.
"Để giảm thiểu tổn hại sức khỏe cho người bệnh sau mổ, chúng tôi chọn phương pháp can thiệp qua ngả âm đạo: đặt mảnh lưới treo toàn bộ khối sa lên, gia cố những cấu trúc lỏng lẻo vùng sàn chậu. Cuộc phẫu thuật diễn ra trong vòng 60 phút với 4 công đoạn: nâng bàng quang lên, treo tử cung, may sửa để khép lại cân trực tràng âm đạo và cuối cùng là làm đẹp (sửa lại thành âm đạo cho gọn, thu gọn cửa mình)", bác sĩ Thanh Tâm nói.
Điểm đặc biệt của phẫu thuật này chính là tính chất "đa phẫu thuật". Thay vì gặp bác sĩ niệu khoa để phẫu thuật sa bàng quang, can thiệp sa tử cung với bác sĩ phụ khoa, đến hậu môn - trực tràng khi bị táo bón hoặc gặp đại tiện, thì một cuộc phẫu thuật sàn chậu sẽ giải quyết tất cả bệnh lý trên. Bệnh nhân chỉ phải gây mê, gây tê và lên bàn mổ một lần, quá trình hồi phục nhanh hơn.
Ngày thứ hai sau mổ, cụ bà đã đi lại, ăn uống, đi tiêu tiểu bình thường; ngày thứ ba đủ điều kiện xuất viện về nhà.
Rối loạn sàn chậu có thể dự phòng bằng tập luyện
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, bệnh lý sàn chậu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ, khiến họ mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp và quá trình điều trị thường dai dẳng, tốn kém.
Y khoa phân các bệnh lý thường gặp ở nữ thành 5 nhóm:
- Đường tiểu: gây rối loạn chức năng đi tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu són, không cầm được nước tiểu, ho hắt hơi ra nước tiểu.
- Cơ quan sinh dục: sa các tạng ở vùng chậu như sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng.
- Đường tiêu hóa dưới: táo bón, són hơi, són phân hoặc cảm giác muốn đi ngoài khiến người bệnh không nhịn được mà phải đi gấp.
- Đau mãn tính vùng lưng và sàn chậu: liên quan đến hệ thống thần kinh cơ, làm cho người bệnh có cảm giác đau ở sâu bên trong. Đau lưng do sự co kéo các dây chằng, cân cơ ở vùng sàn chậu khi bị giãn nhão hoặc bị tạng sa lôi ra ngoài.
- Rối loạn hoạt động tình dục, giãn nhão âm đạo: giao hợp đau, giảm cảm giác, cảm giác âm đạo lỏng lẻo giãn rộng...
Cũng theo bác sĩ Mỹ Nhi, việc tập luyện cơ sàn chậu đã được chứng minh là phương pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thoát vị cơ các cơ quan vùng này. Do đó, phụ nữ nên duy trì thực hiện các bài tập này, nhất là trong giai đoạn mang thai và sau sinh.
"Duy trì tập luyện trong một năm đầu sau sinh sẽ giúp phụ nữ không phải đối diện với bệnh lý về sau. Ngược lại nếu không tập luyện dự phòng, khi bước qua tuổi 50, cứ hai người sẽ có một người gặp phải các triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu", bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Theo các bác sĩ, tập luyện không chỉ giúp duy trì chức năng của các cơ quan vùng chậu, kiểm soát đường tiểu, đường ruột... mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho phụ nữ. Tuy nhiên, những bài tập này không thể phát huy hiệu quả nếu không thực hiện được đúng vị trí cơ. Vì thế, phụ nữ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách tập đúng, giúp việc tập luyện đạt được hiệu quả cao nhất.
Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM có trang thiết bị hiện đại với đủ các chuyên khoa: Niệu khoa, Phụ khoa và Hậu môn trực tràng. Người bệnh cũng được tư vấn tập luyện hiệu quả với 3 gói:
- Dự phòng: 3 buổi tập với máy và thể dục dành cho phụ nữ muốn ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
- Sản phụ sau sinh: tùy theo kết quả sau khi được bác sĩ thăm khám và đánh giá, sản phụ sẽ được xây dựng phác đồ phù hợp: có thể tập thể dục, tập với máy hoặc kết hợp cả hai.
- Phụ nữ lớn tuổi, mãn kinh hoặc có bệnh lý sàn chậu.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Minh Huy (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)