Sáng 22/7, Bộ Y tế cho biết mặc dù số vụ ngộ độc 6 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số mắc và chết đều tăng gấp rưỡi. Trong 43 ca tử vong, có đến 18 trường hợp do rượu, tập trung ở các tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang...
Các đoàn công tác liên ngành do Bộ Y tế chủ trì vừa kết thúc đợt thanh tra về thực phẩm tại 32 tỉnh, kết quả: hơn 1/4 trong gần 14.600 cơ sở được kiểm tra có vi phạm. Ngay trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, có đến 549 người bị ngộ độc, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 30%. Con số tích lũy từ đầu năm đến nay là gần 20.000, tăng 55%. |
Loại rượu tự nấu được khuyến cáo là có hại hơn so với rượu sản xuất trong nhà máy do tồn dư nhiều độc chất, nhưng theo ông Phạm Xuân Đà, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đây không phải là loại nguy hiểm nhất. Độc hại hơn cả là rượu dởm, được pha chế từ hóa chất thay vì lên men từ gạo. Trên thị trường, loại rượu này được bán rất phổ biến.
"Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra ở Tây Nam Bộ, thấy những loại rượu nhập 5.000 đồng một lít, bán 7.000 đồng, nhưng vẫn được giới thiệu là rượu nếp cái hoa vàng, trong khi gạo này giá đến 15.000 đồng một kg, và mỗi kg chỉ làm được 0,7 lít rượu. Chắc chắn đó là rượu giả" - ông Đà nói.
Trong hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu ở Việt Nam, chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm "ngoài luồng" thường có hàm lượng độc tố như aldehyde, methanol... rất cao. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu liên quan đến các ca tử vong cho thấy, hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép từ vài chục đến vài trăm lần.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang tiếp tục điều tra về hiện trạng sản xuất, kinh doanh rượu, trên cơ sở đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn cho từng loại rượu và yêu cầu nhà sản xuất công bố chất lượng.
Hải Hà