Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 6/10/2021, 15:34 (GMT+7)

Nhiều chợ truyền thống lắp vách ngăn mở cửa lại

TP HCMChợ Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu... mở cửa trở lại, một số nơi lắp thêm vách ngăn, tính tiền qua rổ để đảm bảo phòng dịch.

Sau hơn 3 tháng ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, từ ngày 3/10 nhiều tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1) bắt đầu buôn bán lại trong thời điểm "bình thường mới".

Trước Covid-19, trung bình mỗi ngày chợ đón hơn 15.000 lượt người đến mua bán, tham quan. Khách du lịch trong hay ngoài nước, đến Sài Gòn thì cũng muốn được ghé vào chợ Bến Thành để chuyến đi được trọn vẹn.

Ông Lê Minh Hiệp, Phó trưởng Ban quản lý cho biết, chợ có tất cả 1.442 gian hàng, hiện đăng ký hoạt động lại 150 gian. Sau 3 ngày mở cửa thì mới có khoảng 70 gian hàng bán lại, chủ yếu là nhu yếu phẩm như rau, thịt, đồ ăn mang về...

Tại khu bán rau, thịt ở cửa Tây, các tiểu thương lắp vách ngăn và giăng dây dài khoảng 100 m để giữ khoảng cách cho các tiểu thương với nhau và khoảng cách giữa người mua và người bán.

Chợ Bến Thành rộng 13.000 m2, được chia làm bốn khu vực với 11 ngành hàng như vải sợi, tạp mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và đồ uống...

Theo Ban quản lý chợ, để đảm bảo an toàn, người bán phải tiêm đủ 2 mũi vaccine. Người dân đi chợ sẽ khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay, kiểm tra chứng nhận tiêm ít nhất một mũi vaccine. Khách vào một lối và ra bằng hướng khác để tránh tình trạng ùn ứ.

Hơn 20 năm bán buôn ở ngôi chợ trăm tuổi, bà Loan cho biết, mọi năm trừ ngày đầu Tết Nguyên đán, chưa bao giờ chỗ này đóng cửa lâu như vậy.

"Gần 4 tháng nay mới được ra chợ gặp lại khách hàng, đồng nghiệp nên cũng mừng lắm. Do mới bán lại nên tôi chỉ lấy mỗi loại rau 2 cân bán cho vui, chứ khách chưa nhiều", bà Loan nói.

Khu ăn uống với gần chục gian hàng mở lại và đều phải bán mang về.

"Khách của tôi đôi khi chính là tiểu thương trong chợ. Giờ bán gần như không có lời vì giá nguyên liệu cao lại còn ít khách. Dù vậy, tôi vẫn không tăng giá vì dịch ai chẳng khó khăn", bà Huỳnh Thị Liên, người có ba đời bán ở chợ Bến Thành nói.

Nhiều tiểu thương chỉ nhận tiền qua rổ nhựa và ngay lập tức xịt khử khuẩn. Ban quản lý chợ cho biết, hiện mỗi ngày chỉ có khoảng 200 khách. Người mua hàng chủ yếu là bà con trong khu vực và shipper.

Nhà gần chợ nên từ khi mở lại, mỗi ngày bà Lưu Nguyệt Quỳnh đều đi bộ đến các sạp hàng mua rau, thịt đủ dùng.

"Cảm giác đi chợ được trò chuyện, tự chọn đồ ăn và không phải mua nhiều để tích trữ thích hơn là phải mua ở siêu thị, đặt qua mạng như hồi giãn cách", bà nói.

Hiện chợ Bến Thành vẫn còn hơn 1.000 gian hàng chưa mở cửa lại, chủ yếu là các gian hàng bán trang sức, đồ lưu niệm, thời trang. Đây là những mặt hàng chưa thiết yếu, phần lớn phục vụ cho du khách nước ngoài đến mua sắm.

Ở ngay lối vào tại cổng Tây, nhân viên y tế luôn túc trực để xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho tiểu thương 3 ngày/lần.

Cách đó 5 km, chợ thực phẩm An Đông (quận 5) cũng mở lại từ 5/10 sau thời gian dài đóng cửa. Ông Đinh Hồ Quy Ngọc, trưởng ban quản lý cho biết: "Chợ có quy mô 200 sạp nhưng tạm thời chỉ cho hoạt động 30 sạp. Tiểu thương cũng phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được buôn bán".

Người dân vào chợ phải khai báo y tế, khử khuẩn và trình xác nhận đã tiệm ít nhất một mũi vaccine được hai tuần trở lên. Trường hợp F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, phải mang theo giấy tờ, dữ liệu khai báo.

Bên trong chợ với diện tích 1.000 m2, các gian hàng hoạt động lại chủ yếu là nhu yếu phẩm. Từng sạp phải giữ khoảng cách với nhau và đảm bảo 5K của Bộ y tế.

Chợ hiện khá vắng vẻ, chỉ khoảng 70 khách đến mỗi ngày. Nhiều tiểu thương vẫn chưa mở trở lại hoặc chỉ nhập ít hàng và bán từ sáng đến trưa mỗi ngày.

Theo UBND quận 5, ngoài duy trì hoạt động 2 chợ dã chiến ở đường Trần Bình Trọng và Tản Đà, quận đã có kế hoạch mở dần các chợ truyền thống trong tháng 10 và 11, trong đó tập trung vào các khu vực an toàn.

Tính đến 5/10, trên địa bàn TP HCM đã có 21 chợ mở cửa hoạt động trở lại, trong đó có nhiều chợ ở nội thành như: Đa Kao, Bà Chiểu, Kim Biên, Bình Thới...

Quỳnh Trần