Trong một lần đi mua điện thoại di động tại cửa hàng lớn trên đường Xã Đàn (Đống Đa), chị Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) rất bất bình khi mua chiếc điện thoại Nokia X1 giá 999.000 đồng nhưng không được nhân viên trả lại 1.000 đồng tiền thừa. Chờ mãi, chẳng thấy người bán nói câu gì, chị Ngọc thắc mắc thì cô nhân viên mới rút từ ngăn kéo ra xấp tờ 1.000 đồng và đưa cho chị một tờ. "Nếu không có tiền lẻ, người bán cũng nên nói lời xin hoặc giải thích rõ chứ không nên ỉm đi. Việc cô ta có một đống tờ 1.000 đồng chứng tỏ họ cố tình móc túi khách, không biết bao nhiều người đã bị 'ăn quỵt' như vậy", chị Ngọc bức xúc.
Không ít người tiêu dùng đã gặp phải những tình huống tương tự, nhưng vì ngại hoặc không muốn tranh cãi nên họ chọn phương án im lặng, chịu ấm ức và thiệt thòi về phía mình.
khi nhân viên bán hàng không trả lại 1.000 tiền thừa thì chiêu kinh doanh này mang lại hiệu ứng ngược. Ảnh: Xuân Ngọc |
Anh Mạnh (Kim Ngưu, Hà Nội) đi mua một chiếc áo trẻ em trên Phố Huế cũng gặp chuyện tương tự. Ngoài cửa hàng đề rõ: "Duy nhất một giá 89.000 đồng", nhưng khi anh đưa 90.000 đồng, họ cầm cả, không trả lại tiền thừa. "Tôi cũng định hỏi nhưng nghĩ không lẽ lại đôi co vì 1.000 đồng, người ta lại bảo mình đàn ông con trai mà bủn xỉn, nên thôi nhưng bản thân tôi cho rằng nhân viên bán hàng tại đó hành xử vậy là thiếu tôn trọng khách hàng", anh Mạnh chia sẻ.
Trào lưu niêm yết giá lẻ như 69.000 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng, 999.000 đồng... xuất hiện ở Việt Nam chừng 5-7 năm đổ lại đây và được rất nhiều người kinh doanh ưa chuộng. Về thực chất, mức giá 99.000 đồng không khác gì nhiều so với 100.000 đồng, 999.000 đồng và một triệu đồng cũng vậy....Nó không giúp người mua tiết kiệm được bao nhiêu, lợi nhuận của người kinh doanh không suy chuyển là mấy. Nhưng do đánh trúng vào tâm lý thích giá rẻ của người tiêu dùng nên chiêu kinh doanh đó cũng hút khách hơn. Nhưng khi nhân viên bán hàng lờ đi số tiền thừa 1.000 đồng của khách thì chủ kinh doanh sẽ nhận được hiệu ứng ngược.
Đa phần những người tiêu dùng rơi vào hoàn cảnh như trên đều tỏ ra khó chịu. Chị Mỹ Anh, giáo viên Tiểu học, sau một vài lần mua váy, áo giá 299.000 đồng mà cứ phải chủ động hỏi, nhân viên bán hàng mới trả lại, chị tỏ ra rất không hài lòng.
"1.000 đồng chẳng đáng là bao nhiêu nhưng 299.000 đồng là 299.000 đồng. Chủ kinh doanh niêm yết rõ là thế, vậy thì 1.000 đồng tiền thừa mà nhân viên không trả lại sẽ rơi vào túi ai? Còn người mua hàng thì chắc chắn mất không số tiền đó, 5 lần là đủ mua một hộp sữa tươi cho con", chị Mỹ Anh chia sẻ.
Còn chị Ngọc, sau lần mua điện thoại di động đó, chị tự nhủ phải cảnh giác với những cửa hàng thích con số 9 này. Theo chị Ngọc, cách làm này đôi khi lợi bất cấp hại vì tiền lẻ bây giờ khá khan hiếm. Chị tâm sự: "Không những không mua được hàng giá rẻ mà còn có cảm giác như bị móc túi vậy".
Theo phong thủy, 9 được coi là con số đặc biệt may mắn. Bởi lẽ số 9 nhân với bất cứ số nào có một chữ số đều ra một kết quả mà tổng của nó là 9. Ví dụ như 9 x 5= 45. Và 4 + 5 = 9. Số 9 tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn của trời (Thiên) và đất (Địa) và sự phát đạt, phồn thịnh nên được giới kinh doanh ưa chuộng.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu An Hưng, cho hay, doanh nghiệp áp hình thức kinh doanh con số 99 không phải để miễn trả lại khách hàng tiền thừa mà đơn giản là đánh vào tâm lý người mua bởi con số 99 tạo cảm giác rẻ hơn 100. Việc người bán hàng không trả lại tiền thừa do cách quản lý nhân viên chưa nghiêm, dẫn đến khách hàng bị thiệt thòi. Người mua có cảm giác mình bị ăn chặn.
"Cảm giác này sẽ khiến khách hàng nghĩ không tốt về nhân viên bán hàng, về sản phẩm, dịch vụ của công ty đó", ông Thắng chia sẻ.
Bởi vậy, để tránh hiệu ứng ngược từ một loại hình kinh doanh hiệu quả, ông Thắng cho hay, doanh nghiệp cần phải thay đổi thái độ ứng xử. Việc trả lại tiền thừa hay không, không quan trọng, mà điều quan trọng là thái độ của doanh nghiệp. Một câu nói của nhân viên có thể làm khách hàng vui vẻ không lấy tiền những cũng có thể khiến khách hàng không thoải mái. "Nếu doanh nghiệp đào tạo tốt nhân viên của mình thì dù số tiền thừa 1.000 đồng nằm trong tay túi khách hàng hay doanh nghiệp, người mua cũng thấy an lòng", ông Thắng cho hay.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thì cho rằng: "Trong trường hợp đó, khách hàng nên có ý kiến, phản ánh thẳng thắn với chủ cửa hàng để trở thành người tiêu dùng thông minh. Chủ cửa hàng niêm yết giá bao nhiêu thì phải bán đúng ngần đó và khách hàng có quyền đòi lại tiền thừa, dù là 1.000 đồng ít ỏi".
Hoàng Lan- Xuân Ngọc