Khối u hắc tố trên da. Ảnh: BBC |
Trên Tạp chí Y học nước Anh mới, các nhà khoa học Mỹ cho biết, họ đã lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân những tế bào miễn dịch chống ung thư, tạo ra 5 tỷ bản sao của chúng, sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh. Sau khi điều trị hai năm, các khối u hắc tố vẫn không hề xuất hiện trở lại trên cơ thể người đàn ông 52 tuổi.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Từ lâu các bác sĩ đã nghiên cứu để tìm những phương pháp kích hoạt phản ứng tiêu diệt khối u của hệ thống này.
Trở lại trường hợp của nam bệnh nhân 52 tuổi nói trên, bệnh ung thư da ở ông đã di căn sang phổi và các hạch bạch huyết.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson tại thành phố Seattle (Washington, Mỹ) tập trung nghiên cứu một dạng tế bào bạch cầu có tên gọi là CD4+ T. Loại tế bào này có đặc tính là chuyên tấn công một loại hóa chất có trên bề mặt của các tế bào hắc tố.
Từ một mẫu tế bào bạch huyết của bệnh nhân trên, họ chọn lấy các tế bào CD4+ T, sau đó nhân bản chúng lên hàng tỷ lần trong phòng thí nghiệm và đưa trở lại cơ thể bệnh nhân để chúng tấn công các khối u. Trong hai tháng tiếp sau, các bản chụp X quang cho thấy các khối u đã biến mất; sau hai năm thì bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh.
Đáng chú ý là các nhà khoa học nhận thấy, những tế bào nhân bản được đưa vào vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhiều tháng sau khi điều trị.
Trong khi tuyên bố đây là lần đầu tiên phương pháp chữa ung thư này được thực hiện trên thế giới, các tác giả cũng chỉ ra rằng, công nghệ của họ chỉ có thể áp dụng được với các mẫu bệnh nhân có dạng hệ miễn dịch cũng như dạng khối u nhất định. Bên cạnh đó, phương pháp điều trị này cũng chỉ đáp ứng ở một tỷ lệ nhỏ các bệnh nhân ung thư da giai đoạn sau.
Mặc dù công nghệ này quá phức tạp và khó có thể áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng nguyên lý các tế bào miễn dịch có thể được nhân bản ngoài cơ thể, sau đó đưa trở lại để chữa bệnh đã có tác dụng to lớn cổ vũ các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Trần Ngọc Trác (theo BBC)