Tháng 10/2006, tại khu trọ sinh viên phường Quang Trung, Thái Nguyên xảy ra vụ trộm điện thoại di động, trị giá 1 triệu đồng. Thủ phạm bị phát hiện, bắt giữ là Đặng Văn Cường, sinh ngày 25/7/1987, là người Hà Tây phiêu bạt lên Thái Nguyên làm ăn. Vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, thủ phạm nhận tội, nên chưa đầy hai tháng sau đã được TAND Thái Nguyên đưa ra xét xử, tuyên phạt Cường 15 tháng tù về tội trộm cắp.
Sau phiên sơ thẩm vài ngày, cho rằng hình phạt quá nặng, từ trong nhà tạm giam, Cường có đơn ngày 27/12/2006 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 24/1/2007, TAND tỉnh Thái Nguyên ra lệnh trích xuất bị cáo để xử phúc thẩm vụ trộm cắp. Lệnh trích xuất ghi rõ đối tượng là Đặng Văn Cường với đầy đủ ngày tháng năm sinh, quê Hà Tây cũng như tội danh bị xử ở cấp sơ thẩm là điều 138 BLHS (tội trộm cắp).
Tại trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên hôm đó cũng có một bị cáo tên Đặng Văn Cường. Bị cáo này sinh ngày 8/11/1987, hộ khẩu tại Thái Nguyên, bị tòa tỉnh xử sơ thẩm trong một vụ án phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia, và cũng kháng cáo xin giảm án, đang chờ TAND Tối cao phúc thẩm. Vậy là, thay vì trích xuất Cường “trộm cắp”, giám thị lại giao cho tòa Cường “phá hủy”.
Tới phiên tòa phúc thẩm vụ án trộm cắp tài sản chiều 7/2 có đủ 3 thẩm phán, một kiểm sát viên, một thư ký, thế nhưng toàn bộ thủ tục thẩm tra căn cước, lý lịch tư pháp của bị cáo đã bị làm qua loa, khiến cả cơ quan tố tụng lẫn bị cáo không nhận ra sự nhầm lẫn.
Qua khâu này, chủ tọa đi luôn vào câu hỏi xem bị cáo tại tòa có rút đơn kháng cáo không? Một cách tình cờ, Cường “phá hủy” trả lời xin tự nguyện rút lại toàn bộ nội dung kháng cáo. Chủ tọa quay sang kiểm sát viên hỏi ý kiến, nhận được trả lời đề nghị đình chỉ vụ án, liền hội ý ngắn với hai thẩm phán còn lại, và tuyên luôn đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ trộm cắp. Phiên phúc thẩm kết thúc sau 10 phút xét xử.
Thẩm phán, kiểm sát viên đều có lỗi
Nhầm lẫn khôi hài trên chỉ được quản giáo phát hiện sau khi Cường “phá hủy” đã được dẫn giải trở lại trại tạm giam, khiến các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên lúng túng. Phải mãi tới cuối tháng 5, VKSND tỉnh mới nghĩ ra cách cử cán bộ tới gặp Cường “trộm cắp”, gợi ý viết tiếp đơn đề nghị xin được xử phúc thẩm. Trên cơ sở đó, VKSND Thái Nguyên kiểm tra lại toàn bộ quá trình trích xuất, xét xử trước đó. Sau khi có báo cáo vụ việc trên, VKSND Tối cao đã kháng nghị quyết định đình chỉ phúc thẩm, đề nghị TAND Tối cao xem xét theo trình tự giám đốc huỷ quyết định sai lầm đó.
Ông Dương Thanh Biểu, Phó viện trưởng VKSND Tối cao nhận xét, trong vụ án này, các cán bộ tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Lỗi ban đầu là ở giám thị trại giam, khi trích xuất bị cáo phục vụ xét xử đã không kiểm tra kỹ càng. Tiếp đó, HĐXX quá cẩu thả trong kiểm tra lý lịch tư pháp của bị cáo - vốn là một thủ tục đơn giản mà bất cứ thẩm phán nào cũng thuộc lòng. Thậm chí, biên bản phiên tòa còn cho thấy các thẩm phán đã bỏ qua cả khâu trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm… mà "nhảy" luôn hỏi bị cáo có rút kháng cáo không.
Cũng theo ông Biểu, bên cạnh sai sót chính thuộc về HĐXX, còn có lỗi của kiểm sát viên giữ quyền công tố, đã không làm hết trách nhiệm kiểm sát xét xử, nên không phát hiện vi phạm tố tụng của thẩm phán.
Hiện, sau phiên tòa nhầm lẫn tai hại kia, Cường “phá hủy” đã được TAND Tối cao xử phúc thẩm trong vụ án phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia. Còn Cường “trộm cắp” đang đợi để được xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm án của mình.
(Theo Pháp Luật TP HCM)