Để tìm hiểu cách nhìn nhận và xử lý vấn đề của những cá nhân có khả năng tư duy sáng tạo, ba nhà tâm lý của Đại học Vanderbilt (Mỹ) tuyển 20 sinh viên trong một nhạc viện và 20 người chưa từng được đào tạo về âm nhạc. Tất cả sinh viên từ nhạc viện đều đã trải qua ít nhất 8 năm đào tạo. Họ biết chơi dương cầm, các loại đàn dây, các loại nhạc cụ thổi và gõ. Toàn bộ thành viên trong hai nhóm đều đạt điểm cao đối với các môn học đòi hỏi tư duy cao ở thời phổ thông.
"Chúng tôi chọn các nhạc sĩ được đào tạo vì tư duy sáng tạo là hoạt động hàng ngày của họ", tiến sĩ Bradley Folley, một thành viên trong nhóm chuyên gia, giải thích.
Nhóm nghiên cứu tiến hành hai thử nghiệm để so sánh quá trình tư duy sáng tạo giữa nhạc sĩ và người bình thường. Trong thử nghiệm thứ nhất, các chuyên gia cho cả hai nhóm xem nhiều vật dụng gia đình và yêu cầu họ nghĩ ra những chức năng mới cho chúng. Sau đó các đối tượng nghiên cứu tiến hành một bài kiểm tra về khả năng tìm những từ có mối liên hệ với nhau.
Kết quả cho thấy các nhạc sĩ nghĩ ra được nhiều chức năng mới cho vật dụng gia đình hơn và số đáp án đúng của họ trong bài kiểm tra cũng nhiều hơn hẳn so với nhóm kia.
Ảnh: frontiernet.net. |
Trong thử nghiệm thứ hai, cả hai nhóm lại được yêu cầu tìm thêm chức năng mới cho những vật dụng gia đình và tìm các từ có mối liên hệ với nhau. Trong lúc họ suy nghĩ, các chuyên gia theo dõi quá trình oxy hóa trong máu ở thùy trán nhờ một kỹ thuật quét não đặc biệt.
"Khi đo sự thay đổi lượng oxy trong máu ở vỏ não của đối tượng nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cả hai bên thùy trán của nhóm nhạc sĩ đều hoạt động, nhưng ở nhóm còn lại, sự thay đổi oxy chỉ diễn ra ở một bên", Folley nói.
Một trong những hướng giải thích có thể chấp nhận là: Nhạc sĩ có khả năng sử dụng hai thùy trán trong quá trình tư duy do họ thường xuyên sử dụng hai tay trong quá trình chơi nhạc cụ. Chúng ta đều biết mỗi bên bán cầu não điều khiển hoạt động của một cánh tay nằm ở phía đối diện.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, chỉ số thông minh trung bình của nhóm nhạc sĩ cao hơn nhóm kia. Phát hiện này phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây, theo đó quá trình đào tạo âm nhạc trong thời gian dài làm tăng chỉ số thông minh.
Việt Linh (theo Physorg)