Hà Linh -
Soyinka bị bắt lần đầu tiên sau cuộc bầu cử năm 1965. Biết rõ hành vi gian lận của nhà chính trị S.L. Akintola, Soyinka, lúc đó 31 tuổi và là một nhà văn nổi tiếng, đã lăm lăm một khẩu súng ngắn tiến vào Đài phát thanh Ibadan và thay diễn văn mừng chiến thắng của Akintola bằng băng ghi âm vạch trần hành vi lừa đảo của nhà chính trị này trong cuộc bầu cử. Ông bị tống vào tù rồi được thả không lâu sau đó. Nhưng với nhà văn đã 73 tuổi này, đây chỉ là một vụ nhỏ trong cả sự nghiệp dài gắn liền với giam giữ, tù đày, lưu vong.
Nhớ lại sự cố này, ông nói: "Tôi là một trong số ba, bốn hoặc năm người gì đó biết rõ sự việc. Đó là cái khoảnh khắc mà bản thân một cá nhân phải tự đưa ra quyết định, là khi thấy cờ đến tay và buộc phải phất".
Lần gần đây nhất Soyinka bị bắt là năm 2004, khi ông tham gia vào một cuộc bạo động tại Lagos chống lại chính phủ của Tổng thống Olusegun Obasanjo. Nhưng chỉ vài giờ sau, nhà văn được thả.
![]() |
Vẻ ngoài không lẫn vào đâu được của Wole Soyinka. |
Tuổi tác không cản trở được những hoạt động sôi nổi của Soyinka. Sở hữu mái tóc xù trắng cước và bộ râu đặc trưng châu Phi, Soyinka là gương mặt đặc biệt trên văn đàn thế giới.
"Nhà văn, trước hết và trên hết phải là một công dân. Và trách nhiệm của một nhà văn không có gì khác với trách nhiệm của một công dân", Soyinka phát biểu với báo chí khi tham dự một cuộc triển lãm tranh ở Lagos. Với ông, điểm khác biệt duy nhất là nhà văn có thêm biệt tài sử dụng ngôn ngữ.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây, Soyinka ủng hộ Pat Utomi, một giáo sư Đại học, người cam kết sẽ quét sạch nạn tham nhũng và đưa những phần tử trí thức vào chính phủ. Tuy nhiên, Utomi đã thất bại trước Obasanjo trong một cuộc bầu cử mà nhiều quan sát viên quốc tế cho là có dấu hiệu không trong sạch.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình không mấy thiện cảm với Soyinka thì cho rằng, nhà văn thường lóa mắt bởi những người có quyền lực. "Soyinka là minh chứng rõ ràng cho một kẻ bị ám ảnh bởi quyền lực", Adewale Maja-Pearce, một nhà văn Nigeria vốn rất hằn học khi phê bình các tác phẩm của Soyinka nhận định. Maja-Pearce cho rằng, trước đây, Soyinka cũng khá thân thiết với Obasanjo nhưng sau đó lại quay ra chống đối vì bị vị Tổng thống này bỏ rơi.
Với sự nghiệp chính trị khá sôi động, Wole Soyinka hẳn nhiên còn được biết đến bởi những tác phẩm văn học giàu màu sắc châm biếm sâu cay. Ông nổi tiếng về thể loại kịch. Từ những năm 1960, Soyinka đã thành lập hai đoàn kịch Những cái mặt nạ và Chân trời và công diễn những tác phẩm đặc sắc do ông sáng tác như Cuộc thử sức của Jero, Sự biến dạng của Jero, Vũ hội của núi rừng, Vở kịch của những người khổng lồ... Ngoài ra, ông còn sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và tiểu luận. Đến nay, Wole Soyinka vẫn được coi là hình mẫu lý tưởng của một thế hệ các nhà văn trẻ tại Nigeria.
(Nguồn: Tổng hợp)