Hà Linh -
Nasrin sống bằng visa du lịch tại Kolkata từ năm 2004. Tuần trước, cô bị đuổi ra khỏi nhà sau khi các nhóm Hồi giáo phát động một cuộc bạo loạn lớn khiến chính quyền địa phương phải điều các đơn vị quân đội đến mới dập tắt nổi.
Nhà văn 45 tuổi được áp tải đến một ngôi nhà an toàn ở Rajasthan trú tạm một đêm. Đêm hôm sau, cô phải chuyển đến New Delhi, sống trong một căn hộ của nhà nước, có cảnh sát bảo vệ.
Trong cuộc phỏng vấn ngắn sau khi sự việc này diễn ra. Nasrin cho biết, cô chỉ "muốn về nhà càng sớm càng tốt". Nhưng nhà văn nói thêm: "Tôi không biết đi đâu nữa. Ấn Độ là nhà tôi và tôi muốn sống ở đất nước này cho đến lúc chết".
![]() |
Dù bị xua đuổi, Nasrin vẫn muốn sống ở Ấn Độ. |
Nasrin hiện không biết rõ, mình sẽ còn gặp phải những mối nguy hiểm nào trong những ngày tới. "Người ta không nói cho tôi biết, tôi sẽ còn phải chuyển đến đâu. Tôi đã rất nhiều lần hỏi các nhân viên an ninh rằng tôi sẽ còn phải lẩn trốn như thế này trong bao lâu nữa", cô kể.
Dù phải sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Nasrin trước sau vẫn khẳng định niềm tin của cô vào chính phủ Ấn: "Tôi đã mất Bangladesh, tôi không muốn lại để mất Ấn Độ. Tôi là một nhà văn Bengal. Tôi muốn sống ở một đất nước thuộc môi trường văn hóa Bengal", nhà văn tâm sự.
Nasrin bỏ trốn khỏi Bangladesh năm 1994, sau khi bị cáo buộc "cố tình xúc phạm tình cảm tôn giáo của tín đồ đạo Hồi" vì đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Lajja (Nỗi nhục). Sách của cô hiện bị cấm tại Bangladesh.
Sau gần 10 năm đi khắp châu Âu để tìm nơi trú chân, cuối cùng, nhà văn dừng lại ở Kolkata. Nhưng ở đây, các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng không để cô được sống yên ổn.
Một số trí thức Hồi giáo cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, Nasrin "có quan điểm tự do quá khích". "Cô ấy kêu gọi thay đổi kinh Coran. Cô ấy cho rằng, tôn giáo này đã lỗi thời. Cô ấy viết về chuyện tình dục giữa cô và những người đàn ông khác. Cách nhìn đó quá tự do trong xã hội chúng tôi. Chúng, và cả bản thân cô ấy cũng vậy, chỉ phù hợp với xã hội phương Tây", Zafarul-Islam Khan, chủ biên Milli Gazette, tờ báo nổi tiếng tại Ấn Độ nói.
Tuy nhiên, các nhà văn và nhà triết học lại đứng về phía Nasrin, bênh vực quyền tự do ngôn luận. "Visa của cô ấy sẽ hết hạn vào tháng hai tới, nhưng chính phủ Ấn cần công nhận Taslima với tư cách là một công dân đầy đủ", Mahasweta Devi - nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng tại Ấn Độ - phát biểu.
Pranab Mukherjee - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn - khẳng định, chính phủ nước này sẽ tiếp tục đảm bảo an toàn cho nhà văn. "Trong lịch sử hình thành và phát triển, Ấn Độ chưa từng từ chối bảo vệ cho những người đã đến đây để tìm kiếm sự che chở của chúng tôi. Truyền thống văn hóa này, nay đã trở thành chính sách của chính phủ, sẽ được tiếp nối. Vì vậy, Ấn Độ sẽ bảo vệ cho bà Nasrin". Nhưng ông khuyến cáo thêm: "Tuy nhiên, Ấn Độ cũng hy vọng rằng, khách đến với đất nước chúng tôi sẽ cố gắng kiềm chế những hành động và lời nói có thể làm tổn thương đến tình cảm của người dân".
(Nguồn: The Guardian)