Đông Dương -
eVăn.vnexpress.net có cuộc trò chuyện cùng anh.
- Là một nhà văn, kiêm giám đốc một công ty du lịch lữ hành, anh lại trực tiếp là người tìm kiếm số phận những đứa con rơi mang hai dòng máu Hàn -Việt trong chiến tranh. Đâu là công việc quan trọng nhất với anh?
- Xuất thân là một đứa trẻ lai Hàn - Việt, sinh ra và lớn lên tại làng quê Tuy Hòa - Phú Yên, với tôi chiến tranh luôn là những ám ảnh thân phận. Tuổi thơ ở nhà bị hàng xóm khinh bỉ, gièm pha, đến trường tiếp tục bị bạn bè giễu cợt là con ngoại lai... Nên tôi luôn dằn vặt với câu hỏi: bố tôi là người lính đánh thuê Nam Triều Tiên nào? Và tại sao tôi lại ra đời? Ám ảnh này làm tôi kinh sợ chiến tranh. Tôi cầm bút để giải tỏa nỗi lòng, viết lên khát vọng mình. Đó còn là cánh buồm neo tình yêu cho bến bờ những đứa con tôi sau này sẽ tới. Làm từ thiện, tìm kiếm giúp đỡ những định mệnh cay nghiệt như mình là đi vào cụ thể, mỗi hoàn cảnh, số phận người. Tôi muốn văn chương đời sống là một, không có khoảng cách.
Cây bút Trần Đại Nhật. Ảnh: N.H.H.M. |
- Trong thơ anh viết "Sóng vẫn bạc đầu khi tôi đến Nha Trang / Biển vẫn xanh xao những ngày em khốn khó / Tháp đã mục nát rồi, lam nham vết chàm tu bổ / Em khấn nguyện gì trong ánh hoàng hôn". Trong những chuyến đi làm từ thiện, theo số phận của những người con lai Hàn trên mảnh đất nghèo miền Trung để giúp họ, với anh, hẳn có rất nhiều kỷ niệm?
- Tuổi thơ cơ cực, nhiều gian truân, nhưng tôi chưa bao giờ chịu khuất phục ý chí. Sau khi vào Sài Gòn học đại học và có một thời gian đi làm ở Ấn Độ, Hàn Quốc tôi trở lại quê hương với những quyết tâm cho công việc mình.
Đầu năm 2001, khi có một ít tiền, thì tôi lại quyết tâm đi Miền Trung, từ Cam Ranh đến Đà Nẵng, để tìm lại những người bạn. Với mục đích là lập thành danh sách con lai của Nam Triều Tiên nói chung. Nhưng tôi ưu tiên cho những người con có hoàn cảnh khó khăn, luôn có nguyện vọng tìm lại cha mình. Thế là, từ đó tôi cứ miệt mài công việc này. Đến nay đã có rất nhiều bạn trẻ đã tìm được cha mình. Việc tìm kiếm con lai Hàn - Việt, là thực hiện cho bằng được tâm nguyện của tôi.
- Chiến tranh đã đi qua từ lâu nhưng từ cảm hứng nào khiến anh vẫn đeo đuổi đề tài hậu chiến?
- Tôi rất tâm đắc một câu cách ngôn nổi tiếng của nhà hiền triết Abutalip: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác".
Những gì đã qua không thể lãng quên. Bởi đã trả giá với rất nhiều đớn đau, máu và nước mắt. Ấy là chưa nói đến những di căn chưa thể hòa giải như số phận những đứa con mang chất độc màu da cam, những đứa con lạc loài hai dòng máu. Những hậu duệ trả giá trong máu và mất nguồn gốc ấy khó có thể có một tương lai tươi sáng.
Vì như nhà ngoại giao, nhà thơ nổi tiếng từng đoạt giải Nobel văn chương Octavio Paz đã nói: "Từ chân trời một phía nhìn ra chân trời nhiều phía". Từ những số phận lẻ đơn chúng ta mơ bay đến những chân trời, vùng trời thân thiện, hòa giải, ấm áp tình yêu thương. Vấn đề tôi muốn nói là, tôi không bao giờ đơn độc. Tôi luôn tin có nhiều người nghĩ như tôi và đồng cảm, chia sẻ với tôi. Đối thoại, tính cách giải quyết với vực thẳm trong quá khứ chính là san bằng, làm đường đến với tương lai. Vì thế, tôi có sức mạnh, niềm tin vào công việc đang làm của mình và tiếp tục viết.
Ảnh bìa tập truyện ngắn Những Mảnh Đời Luân Lạc do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, 7.2008 |
- Tập truyện "Những mảnh đời luân lạc" sẽ là chủ đề chính của hội thảo tác giả và tác phẩm do báo Điện tử Tổ Quốc chủ trì. Những thông điệp nào anh đã gửi gắm trong tác phẩm này?
- "Những mảnh đời luân lạc" tập hợp phần lớn truyện ngắn tôi viết trải dài trong khoảng đời 19 năm quan sát, theo đuổi đề tài và số phận những đứa con lai Hàn - Việt, những người dân quê yêu ruộng vườn, mảnh đất gắn bó suốt cuộc đời họ. Bối cảnh của những câu chuyện xảy ra trải dài ở các làng quê từ Phú Yên đến Cam Ranh.
Có một điều thú vị bây giờ mới tiết lộ: đó là không hiểu sao, số phận cuốn sách cũng long đong như số phận người viết nó. Phải lăn lóc ở một số nhà xuất bản. Cuối cùng mới ra mắt được ở Hội Nhà Văn, lại là một nhà xuất bản có uy tín và thương hiệu văn chương cao nhất hiện nay. Thông điệp từ cuốn sách cũng như tấm lòng tôi. Bao giờ cũng sống và phấn đấu hết mình, luôn mở lòng ta với mọi người. Rồi một ngày nào đó bạn sẽ được đền bù với tất cả những gì bạn từng ao ước.
- Trong tập truyện "Những mảnh đời luân lạc" đã có vài truyện ngắn hay như "Sa mạc người", "Đêm bãi gió"... Các truyện ngắn này có tính hư cấu cao, bay lên khỏi hiện thực. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều truyện trần trụi, khô khốc vì thông tin, tư liệu thô. Chúng vẫn là ghi chép, tư liệu, chưa thể nâng lên tầm truyện ngắn. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này?
- Tôi rất cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ khi đọc tập sách. Những thông tin góp ý đó hoàn toàn chính xác. Với một nhà văn, không phải bất cứ tác phẩm nào mình viết ra cũng hay. Đôi khi nhiều truyện với người đọc là bình thường nhưng với nhà văn là máu thịt. Viết là ám ảnh nhưng chưa hẳn tất cả những điều ám ảnh có thể trở thành văn chương. Làm được điều đó còn phụ thuộc vào tài năng. Tôi luôn tự biết tài năng, vốn sống, tri thức của mình còn rất khiêm tốn. Cần phải tự đào luyện và cố gắng bù đắp học hỏi. Vì thế, những góp ý của bạn đọc là quý báu cho con đường văn đi tới phía trước của tôi.
- Anh nghĩ như thế nào về các nhà văn trẻ, là những người cầm bút tạm gọi là thế hệ @ của mình? Có chăng, anh đã chọn lựa một đề tài, một con đường đi riêng hoàn toàn không giống họ?
- Với văn chương tôi không nghĩ giống hoặc khác nhau là quan trọng. Mà vấn đề phải là hay. Những tác phẩm vĩ đại thường đề cao tính nhân bản, là chu kỳ lôgic phát triển cao, hoàn thiện cái tính người, con người. Mà để làm người đúng nghĩa là mơ ước của nghìn đời, là gốc rễ của biết bao điều giản dị.
Nói tôi chọn một con đường đi riêng trong văn chương cũng không sai nhưng cốt yếu con đường đó đã chọn tôi. Từ những kỷ niệm tuổi thơ, những suy tưởng về số phận. Tôi chưa bao giờ có ý muốn mình sẽ phấn đấu trở thành một nhà văn vì với tôi văn chương là rất cao cả và thiêng liêng. Nhưng tôi tin sự trung thực, tấm lòng của mình sẽ đến với nhiều độc giả.
Trần Đại Nhật còn chủ trì dự án: Tìm kiếm và xây dựng câu lạc bộ "Con rơi Đại Hàn" được dư luận chú ý. Đến nay danh sách thành viên của CLB này đã hơn 500 người, và anh cho biết sẽ còn tiếp tục bổ sung thêm trong nay mai.
Vào lúc 18h30 ngày 8/8, tại Hội nhà báo TP HCM (Số 14 - Alexandre de Rhodes - quận 1 - TP HCM) sẽ diễn ra buổi giới thiệu Tác giả - Tác phẩm: "Nhà văn Trần Đại Nhật và Những mảnh đời luân lạc" do báo Điện tử Tổ Quốc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì.
Đông Dương thực hiện