Cuốn sách của Nguyễn Quang Thiều tập hợp 24 bài viết về những nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ mà anh từng gặp gỡ như: Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Bảo Ninh, Hữu Ước... Nguyễn Quang Thiều dựng chân dung về họ qua những chi tiết có thực, lồng vào đó là những cảm nhận chủ quan của anh - một nhà thơ từng trải và hay suy ngẫm. Anh khắc họa Tố Hữu trong tuổi già như sau: "Những năm cuối đời, thơ Tố Hữu buồn và cô đơn tuy ông vẫn gắng sức trong nhiều câu thơ để tìm lại không khí náo nức ngày xưa. Nhưng những câu thơ lúc đó đã không nghe theo ý muốn của ông. Nói cho chính xác, những câu thơ lúc đó sinh ra từ cá nhân một Tố Hữu đơn thuần là một con người đang đi những bước cuối cùng về nơi cát bụi. Ông là nhà thơ nhiều bạn đọc nhưng ít bạn bè. Khi ông nghỉ hưu, những người cần ông nhất thời không đến với ông nữa hoặc là rất ít. Những người yêu thơ ông vẫn mang mặc cảm trong lòng dù chỉ là mang máng: ông là một quan chức cao cấp...". Lê Thiết Cương nói, anh nảy ra ý định làm triển lãm chung với Nguyễn Quang Thiều vì thích những bức chân dung mà nhà thơ viết.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) ký tặng sách. |
Không cụ thể hóa như chữ nghĩa, tranh của Lê Thiết Cương đòi hỏi trí tưởng tượng và nhiều mơ mộng hơn. Anh chọn 10 bức tranh Người thích nhất của mình - những tác phẩm vẽ theo lối tối giản nhất trong cả chi tiết, đường nét lẫn màu sắc. Sự thiếu thốn trong chi tiết, sự đứt đoạn của hình ảnh khiến người xem tranh anh không khỏi thắc thỏm, chới với trong khi cố hiểu, hay ít ỏi hơn, cố hình dung một chút về con người. Xem tranh Lê Thiết Cương, người ta ngứa ngáy, muốn cầm cọ nguệch ngoạc lên đó vài nét vẽ nữa, cho rõ hình rõ ảnh, cho ra một cách hiểu của mình. Lê Thiết Cương thách thức suy nghĩ và trí tưởng tượng của người xem.
Giải thích cho sự lựa chọn một tên gọi chung khá giản dị và kiệm chữ: Người, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Triển lãm của Lê Thiết Cương và tập sách của tôi là những chân dung về những con người chúng tôi đã gặp trong cuộc đời này. Có những người chúng tôi gặp hàng tuần và có những người chúng tôi chỉ gặp một lần. Họ đi qua chúng tôi như những ngọn gió, thổi qua những vòm cây và để lại những xao động, kể cả những xao động mơ hồ nhất".
Trong các triển lãm tranh của mình, Lê Thiết Cương cũng thường giảm thiểu cả nghi lễ khai mạc với những lời chúc tụng mang nhiều tính xã giao. Anh quen mở rộng cửa, tự tin khoe tranh nhưng rất kiệm lời. Tuy nhiên, chiều 27/10, họa sĩ đã mở lời "cho nó ra một cái khai mạc" bằng những câu mà anh tiết lộ là được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "gà" trước: "Dù là tôi vẽ hay anh Thiều viết thì cũng đã trót 'sa bút' rồi. Nên tôi không bàn đến chuyện hay dở ở đây nữa. Anh Thiệp nói với tôi: 'chơi được với nhau là tốt rồi'. Tôi cũng nghĩ đơn giản như thế". Còn nhà thơ ngơ ngác hơn: "Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra ở đây. Có quá nhiều người và nhiều máy ảnh. Quá trình làm cuốn sách này khiến tôi thấy, các tác phẩm trước đây của mình như là sách hướng dẫn chăn nuôi hay trồng trọt".
Triển lãm sẽ diễn ra đến 1/11 - ngày kỷ niệm 3 năm thành lập Gallery 39 Lý Quốc Sư.
Một số hình ảnh tại triển lãm Người:
Cuốn sách của Nguyễn Quang Thiều. |
Những tác phẩm của Lê Thiết Cương. |
Họa sĩ và nhà thơ tại triển lãm. |
Tin, ảnh: Hà Linh