Nữ thi sĩ tổ chức buổi bình thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 31/1, thu hút nhiều tên tuổi trong giới văn nghệ như nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Tại buổi giao lưu, mọi người cùng đọc, nói lên cảm nhận về những sáng tác của bà trong cuốn Nguyễn Thị Hồng thơ tuyển, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành đầu năm nay.
Tuyển tập mới của tác giả giữ phong cách bà theo đuổi từ thời mới sáng tác, chủ yếu tập trung miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, tình yêu một cách giản dị. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định phong cách thơ Nguyễn Thị Hồng hướng nội, không tập trung phản ánh những sự kiện đời sống mà khai thác cảm xúc cảm của con người.

Từ trái sang: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, nhà văn Trần Nhương, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm 31/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Chị đã đánh dấu tâm hồn mình vào không gian thơ của chị. Dù là thơ về một buổi chiều tà hay về tiếng côn trùng sau mưa thì điều ở lại với tâm trí bạn đọc, rõ nhất, bền nhất, lại là tâm hồn tác giả. Buổi chiều ấy, tiếng côn trùng ấy nhập vào kho ký ức chúng ta là nhập trong từ trường tâm hồn Nguyễn Thị Hồng, theo khuôn khổ cảm và nhận của giác quan, của cảm xúc, của tình cảm nhà thơ Nguyễn Thị Hồng", nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
Theo nhà thơ Bằng Việt, giữa cuộc sống nhiều ồn ào, xô bồ, người đọc nếu trút bỏ muộn phiền, cảm nhận thơ Nguyễn Thị Hồng bằng cái tâm tĩnh lặng mới có thể thấy cái hay, cái đẹp của câu chữ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết ông theo dõi quá trình cầm bút của Nguyễn Thị Hồng nhiều năm nay, ấn tượng với giọng điệu thơ giàu tính hàm súc của tác giả. Ông thích cách bà viết về sự dùng dằng giữa mùa đông và mùa xuân trong giây phút giao thoa của đất trời trong bài Tháng giêng: "Nửa còn vương vấn rét đài/ Nửa rây nắng để má ai dậy hồng/ Nửa dùng dằng với mùa đông/ Rét như rét của nỗi lòng chia xa".

Sách "Nguyễn Thị Hồng thơ tuyển". Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ
Nhà văn Phùng Văn Khai ấn tượng với bài Tự khúc trong tuyển thơ của Nguyễn Thị Hồng, bởi tác phẩm tổng hòa những ước ao, khát vọng, suy nghĩ về cuộc đời bằng một giọng thơ nữ tính nhưng rất quyết liệt. "Sông vẫn chảy bến theo mùa trong đục/ Suối tự nguồn vẫn dào dạt thanh cao/ Những con người nhỏ nhoi như hạt cát/.../Trần trụi với thiên nhiên cây đón gió trời/ Đón làn mưa xuân dìu dịu/ Bay cùng trăng và uống ánh sao rơi" (Trích bài Tự khúc).
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1948 ở Hưng Hà, Thái Bình. Bà tốt nghiệp khoa văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 11. Bà công tác nhiều năm ở Nhà xuất bản Phụ nữ, có 15 năm làm trưởng ban biên tập sách văn học trong nước. Bà từng xuất bản nhiều tập thơ như Em ra đi (1990), Gọi thu (1992), Biển đêm (1996), Những bông hoa thiên sứ (2001), Cuộc bàn giao vĩnh cửu - hồn khèn (thơ và trường ca, 2003)...
Bà từng đoạt giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội cho bài Bình dị, giải Văn học Thăng Long cho tập Em ra đi, Giải của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập Cuộc bàn giao vĩnh cửu - hồn khèn.
Hà Thu