Giá xăng vừa mới tăng 1.500 đồng vào cuối tháng 2. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại thị trường Singapore chiều tối qua, giá xăng A92 tiếp tục giảm nhẹ và chỉ còn 104,85 USD một thùng, giảm 2 USD so với đầu tuần trước và giảm gần 6 USD so với thời điểm giá bán lẻ xăng được điều chỉnh từ 13.000 đồng lên 14.500 đồng. Hôm 25/2, giá dầu thô thế giới ở ngưỡng 99,5 USD một thùng, trong khi giá xăng thành phẩm ở mức 110,6 USD.
Theo tính toán của các nhà nhập khẩu đầu mối, với giá bán này, sau khi cộng thêm các khoản như lệ phí giao thông 500 đồng một lít, chi phí bến bãi, bán hàng khấu hao... giá bán đến tay người tiêu dùng vào khoảng 14.000 đồng. Như vậy trên mỗi lít xăng A92, doanh nghiệp đang lãi khoảng 500 đồng.
Một quan chức của Công ty Xăng dầu Quân đội thừa nhận các doanh nghiệp nhập khẩu bắt đầu có lãi chút ít đối với mặt hàng xăng. Tuy nhiên với giá dầu nhập khẩu đang đừng ở mức 130,6 USD một thùng thì mỗi lít dầu bị lỗ khoảng 451 đồng. "Hiện tại chúng tôi kinh doanh theo kiểu lấy chỗ nọ bù vào chỗ kia để giảm bớt cho những tháng bị lỗ nặng", vị quan chức này nói.
Ngày 25/2, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã phê duyệt phương án giá, cho phép các doanh nghiệp đầu mối được bán với mức trần 15.000 đồng mỗi lít xăng A92. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn nhìn nhau để kìm giá và chưa có đơn vị nào bán vượt quá giá 14.500 đồng. "Với giá nhập khẩu hiện tại chúng tôi chỉ đủ vốn để kinh doanh mặt hàng xăng, còn với giá dầu thì vẫn ở ngưỡng lỗ rất cao", một quan chức của Petrolimex nói.
Phía Bộ Tài chính cũng cho cho rằng về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền điều chỉnh giá bán lẻ trong khung đã duyệt. "Việc các doanh nghiệp "kìm" giá bán mặt hàng xăng ở mức 14.500 đồng hiện hành thể hiện thiện chí của họ trong mục tiêu chung ổn định giá cả, kìm chế lạm phát của Chính phủ", ông nói.
Theo ông trong trường hợp giá thế giới giảm mạnh, doanh nghiệp gỡ được vốn, có thể Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tính đến chuyện giảm giá bán lẻ hoặc áp thuế.
Hồng Anh