Mối duyên với Việt Nam của Murayama bắt đầu vào năm 1998, khi ông cùng người thầy tham dự một triển lãm ảnh tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, TP HCM. Sau đó ông đã nhiều lần tới Việt Nam.
Là một trong những người Nhật Bản phản đối mạnh mẽ hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, Murayama khát khao đặt chân đến Hoàng Sa. Để thực hiện được ước muốn của mình, ông đã liên hệ Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài và làm đơn xin chính phủ Việt Nam.
Với Murayama, công việc phóng viên cộng tác với một số báo và tạp chí từ 16 năm nay chỉ là nghề tay trái. Việc chính của ông ở Nhật là bảo vệ một trường đại học và làm thêm các công việc như giao báo buổi sáng, rửa chén cho nhà hàng và làm vườn thuê. Để sang Việt Nam chuyến này, ông phải vay mượn khoản tiền tương đương 200 triệu đồng và đã mất công việc hiện tại. Thu nhập không nhiều nhưng ông quan niệm, cuộc đời ngắn ngủi nên phải tranh thủ làm những việc có ích. “Tiền bạc thì còn kiếm được, sau chuyến đi này, tôi sẽ chăm chỉ làm việc và trả nợ, tích cóp thêm để quay về Việt Nam tiếp tục thực hiện những dự định khác”, người đàn ông Nhật chia sẻ.
Ông và vợ tranh cãi rất nhiều trước chuyến đi. Người vợ ở quê nhà lo lắng cho sự an nguy của ông, đặc biệt khi hai vợ chồng vẫn chưa có con. Vấn đề tài chính cũng làm hai vợ chồng đau đầu. “Bao nhiêu thu nhập của tôi đổ dồn sắm máy ảnh và những chuyến đi đến Việt Nam từ trước. Số tiền sang Việt Nam và tổ chức buổi triển lãm là vợ vay mượn giúp”, ông chia sẻ.
Sự cản ngăn của vợ đã không thắng nổi quyết tâm muốn đến Hoàng Sa trong ông. Ông bảo, lỡ thương đất và người Việt rồi nên đành để tình cảm gia đình riêng sang một bên. Nhà báo tự do chia sẻ: “Tôi và vợ cưới nhau 7 năm nhưng với Việt Nam, tình yêu đó đã trải qua 16 năm. Tình cảm tôi dành cho Việt Nam lớn đến nỗi vợ khóc vì ghen”.
Ở Việt Nam suốt thời gian Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, ông dành 2 tuần tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM để tiếp xúc phỏng vấn nhiều tầng lớp người dân Việt từ lãnh đạo đất nước đến chiến sĩ hải quân, ngư dân, học sinh, sinh viên… Theo ông, đó là cách để chia sẻ với nhân dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn.
“Tôi may mắn chụp được những khoảnh khắc quý, càng cảm phục sự đoàn kết và nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân Việt", ông kể. Với mong muốn làm một việc gì đó ý nghĩa trong thời gian chờ đợi đi Hoàng Sa, ý tưởng về triển lãm ảnh ra đời. Dự định triển lãm diễn ra vào ngày 20/7 nhưng Murayama được thông báo đi Hoàng Sa gấp nên đành hoãn lại.
Ảnh triển lãm "Cảm xúc Hoàng Sa 2014"
Ngày 14/7, ông cùng khoảng 30 phóng viên báo đài trong và ngoài nước có cơ hội đến Hoàng Sa đưa tin. Nhà báo Nhật tin tưởng những bức ảnh tác nghiệp ở Hoàng Sa sẽ giúp bộ ảnh triển lãm thêm "nặng ký" và giàu tính chiến đấu.
Không biết bơi nên vật dụng quý giá nhất của Murayama mỗi chuyến đi tàu là chiếc áo phao. Lên tàu, ông nảy ra ý định xin chữ ký mọi người lên chiếc áo phao để kỷ niệm. Các phóng viên từ nhiều quốc tịch, những người lính bình thường vốn nghiêm nghị cũng đã vui vẻ ký lên chiếc áo phao. Theo Murayama, việc làm nhỏ này chứng tỏ sự đồng lòng, đoàn kết của cả thế giới hướng về một mục tiêu chung là chuyển tải thông điệp chính xác từ biển Đông. Chiếc áo phao mang gần 60 chữ ký của chiến sĩ trên tàu, các phóng viên trong và ngoài nước… được ông giữ gìn như của báu.
Trong chuyến hải trình, nhà báo Nhật chăm chú ghi lại những khoảnh khắc của chiến sĩ. 4h sáng, khi các chiến sĩ dậy chuẩn bị bữa điểm tâm, Murayama không bỏ lỡ cơ hội thức dậy cùng và ghi lại cảnh sinh hoạt đặc biệt này. Chuyến đi của đoàn đúng ngày bão nổi, tàu ở cách xa khu vực tranh chấp khoảng 25 km. Ông Murayama cảm thấy may mắn kịp tham gia chuyến đi để tận mắt chứng kiến điểm nóng Hoàng Sa. “Trung Quốc rút giàn khoan về nhưng sự việc vẫn có thể tiếp diễn, tôi muốn chung tay cùng bạn bè quốc tế truyền tải thông điệp về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa chứ không phải chỉ dừng lại ở đây”, ông nói về lý do tổ chức triển lãm ảnh về Hoàng Sa.
Theo ông, là một công dân Nhật, là bên thứ ba nên tiếng nói của ông sẽ khách quan. “Tôi muốn người Nhật Bản và thế giới biết về hành động sai trái của Trung Quốc”.
Gần 30 bức ảnh trong triển lãm cô đọng những cảm xúc, câu chuyện của ngư dân, chiến sĩ hải quân, sinh viên, lãnh đạo Việt Nam xoay quanh sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Thông điệp lớn nhất Murayama muốn gửi qua triển lãm là sự thật về Hoàng Sa. "Vùng biển Hoàng Sa thực sự rất đẹp và Việt Nam không thể để mất vùng biển xinh đẹp này được", nhà báo Nhật khẳng định.
Nhiếp ảnh gia người Nhật đã liên hệ rất nhiều nơi để được trưng bày những bức ảnh của mình nhưng không thành công vì chi phí nằm ngoài khả năng. Cảm kích trước tấm chân tình của người bạn lớn dành cho Việt Nam, Lê Phong, sinh viên Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2, đã tích cực liên lạc với ban giám hiệu xin giấy phép tổ chức.
May mắn, ông Kim Ngọc Anh, hiệu trưởng trường nhìn thấy những bức ảnh của Murayama và hoan nghênh ý tưởng này. "Ông Murayama Yasufumi là một công dân Nhật nhưng lại hết lòng vì Việt Nam, vì công lý. Tôi thật sự nể phục những gì ông đã làm và tin tưởng triển lãm này hun đúc thêm lòng yêu nước ở sinh viên", thầy hiệu trưởng cho biết.
Đào Thùy Linh, sinh viên ngành tiếng Nhật, ĐH Sư phạm TP HCM, tự nguyện bỏ thời gian giúp Murayama phiên dịch, nhiệt tình hỗ trợ ông đi lại, tác nghiệp mà không hề lấy thù lao. Linh bảo: "Tôi ngưỡng mộ vô cùng công việc mà ông đang làm cho Việt Nam".
Đầu tháng 8/2014, Murayama sẽ đem ảnh về triển lãm tại ĐH Osaka (Nhật Bản). Nguyện vọng tha thiết của ông là có thêm đơn vị hay trường học nào ở Việt Nam cho mượn địa điểm để những câu chuyện trong “Cảm xúc Hoàng Sa 2014” đến được với nhiều người Việt hơn nữa.
Triển lãm ảnh “Cảm xúc Hoàng Sa 2014” diễn ra tại Trường Cao đẳng Phát thanh -Truyền hình II (số 75 Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5, TP HCM) từ 24 đến 31/7.
Khánh Ly