Tọa đàm mang tên "Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường" về bộ ba tiểu thuyết Nguyễn Quỳnh Trang diễn ra tối 18/10 tại Hà Nội. Ba diễn giả Phạm Xuân Nguyên, Lê Minh Khuê, Nguyễn Chí Hoan đã làm tốt vai trò của mình, tuy nhiên, để tìm một điểm nhấn trong buổi tọa đàm thì quả là khó.
Những người trẻ đi tìm hạnh phúc
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên luôn tìm được những từ ngữ để diễn tả gần nhất, sát nhất trong việc định giá tác giả - tác phẩm. Ông nói, tiểu thuyết đầu tay "1981" của Nguyễn Quỳnh Trang như một tuyên bố (tôi không nói là tuyên ngôn - Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh); còn với "Nhiều cách sống" cô đã chọn ra một cách sống hợp nhất (tôi không nói là đúng nhất - Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh); và với "Mất ký ức" cô đã học cách quên đi để làm lại. Với giọng tưng tửng, Phạm Xuân Nguyên gọi "Mất ký ức" là một tiểu thuyết hoang mang quẩn quanh đưa đến lối viết cũng... quẩn quanh của tác giả.
Nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ, đọc các tác phẩm của Nguyễn Quỳnh Trang bà cảm thấy không mấy sáng sủa nếu không muốn nói là mang lại sự nản lòng. Tuy nhiên, với tiểu thuyết mới nhất bà cho rằng nó làm cho người đọc cảm thấy có gì đó ở phía trước. Theo nhà văn Lê Minh Khuê, các nhân vật của Nguyễn Quỳnh Trang lang thang, nhưng dù lang thang thì cuối cùng tác giả cũng đưa nó về một mối. Thời gian là thứ dường như không hiện hữu trong văn của Trang, nhưng ngược lại một không gian của những người Việt với không khí bụi bặm nhếch nhác thì bà cảm nhận rõ. Bà cũng cảm nhận toàn bộ câu chuyện như một sự phân thân của nhân vật chính ra các mảnh, cảm nhận rõ sự bức bối của một thế hệ, sự hoang mang, quẩn quanh. Khá nhiều ý kiến nói về điều này và MC Phạm Xuân Nguyên đã mang ra chất vấn Nguyễn Quỳnh Trang. Cô nói: "Từ khi sinh ra tôi đã luôn tự hỏi mình là ai, mình từ đâu đến, mình sẽ đi về đâu trong cuộc đời này... Tuổi trẻ của chúng tôi hoang mang, lo lắng quẩn quanh, càng đi sâu vào những thú vui vật chất lại càng thấy rệu rã. Với Mất ký ức tôi muốn đi tìm tôi, để biết cách vượt qua những hoang mang bấn loạn".
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận xét rằng, với việc loay hoay tìm một cách sống tức là đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời thực ra vấn đề rất cũ. Cách kể chuyện của Trang là một sự chuyển tiếp thế hệ giữa những người viết cũ và những người viết mới. Anh cho rằng, cái yếu nhất của "Nhiều cách sống" và "Mất ký ức" chính là vẫn còn bấu víu vào truyền thống.
Từ trái sang: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan và tác giả Nguyễn Quỳnh Trang. |
Có gì mà hoang mang thế?!
Đại bộ phận người tham dự tọa đàm chưa được đọc "Mất ký ức" nên các lời mời cảm nhận tác phẩm từ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hầu hết đều bị từ chối, đầu tiên là nhà văn Nguyễn Việt Hà, rồi đến nhà văn Di Li, dịch giả Dương Tường, đạo diễn Quốc Trọng, họa sĩ Đinh Công Đạt... Một vài ý kiến khác thì cũng nặng về giao đãi hơn là nói về tác phẩm hay ít ra là có một góc nhìn của riêng mình.
Không chỉ tiểu thuyết của Quỳnh Trang, rất nhiều tác giả trẻ khác đều đề cập đến sự hoang mang của giới trẻ trong cuộc sống hiện đại. Có ý kiến băn khoăn giới trẻ hoang mang vì điều gì, trong khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam được đo đếm nằm trong top đầu, nhìn vào những chốn ăn chơi hội hè lúc nào cũng đông nườm nượp, và người nước ngoài thì nhận xét người Việt rất vô lo và hay cười? Nhưng đó cũng không phải là vấn đề chính, mà là tác giả viết về nó có đạt, có tới tầm hay không thì chưa được bàn thấu đáo.
Về điều này, nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ, cách viết của Trang là viết về những ấn tượng về cuộc sống chứ không phải bê nguyên cuộc đời vào tác phẩm, điều đó rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn rằng nếu cứ theo mãi một cách sẽ nhàm chán, và như phần trước bà đã nói về sự "nghèo" của các nhân vật. "Ký ức dày hơn một tí, trải nghiệm nhiều hơn một tí sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn", bà Khuê nói. Nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng nói rằng, bản chất của tuổi trẻ là quẩn quanh, không có gì sáng sủa dẫn đến một cách viết u ám, và gợi ý tác giả hãy thử mở rộng đề tài ra một chút như về đức tin, về tôn giáo...
Nguyễn Quỳnh Trang với những bó hoa được tặng. |
Nhà phê bình Ngô Thảo nói, thời nào cũng thế, luôn tồn tại hai loại người, loại thứ nhất lo cho người khác, loại thứ hai luôn nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình, mình nên như thế này hay như thế kia, luôn nghĩ về hạnh phúc... và chưa biết loại người nào hạnh phúc hơn. Ngô Thảo nói rằng thế hệ các ông là thế hệ lo vận nước nên không có nhiều thời gian nghĩ đến bản thân. Còn bây giờ các bạn trẻ cũng phải đối mặt với những vấn đề của họ... Rất tình cờ, tên tác phẩm của Ngô Thảo có vẻ như trái ngược với tên tác phẩm của Nguyễn Quỳnh Trang. Một đằng còn trẻ nhưng đã "Mất ký ức", còn một người đã già nhưng "dĩ vãng vẫn ở phía trước" ("Dĩ vãng phía trước" - tên tập sách của Ngô Thảo mới đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội).
Sau các ý kiến, Quỳnh Trang phát biểu ở phần cuối, hơi mâu thuẫn và có phần tự bào chữa khi cô cho rằng, tiểu thuyết của mình kể cả những đau khổ cũng chỉ là giả, như một cái bẫy. "Chúng ta dìm chúng ta trong những nỗi đau tưởng tượng, còn sự yên tĩnh nằm sâu trong con tim". Và Quỳnh Trang hy vọng tác phẩm tới của cô với tên "9X09" sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người mà cô coi như một bậc cha chú, đã nhắc ngay, không cần làm cho tác phẩm tươi sáng, cứ viết về nỗi buồn, sự cô đơn cũng không sao, nhưng hãy viết sao cho đến tận cùng.
Và như thế, sẽ có nhiều điều để nói hơn, tận cùng hơn ở lần ra mắt sách sau của Nguyễn Quỳnh Trang
Dương Tử Thành