Trước đó, Chi bị VKS đề nghị từ 12 đến 15 tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Đức Chi (áo trắng) và Nguyễn Thọ Trí đang nghe tuyên án. Ảnh: Công Lũy. |
Theo tòa, công ty Arabella của Chi là có thật và đăng ký tại Mỹ. Trước khi ký hợp đồng mua gạo với Imex Trà Vinh, Chi đã dùng tư cách pháp nhân này mua bán thành công với các công ty khác qua nhiều thương vụ. Việc chuyển tiền thanh toán hợp đồng thường là qua ngân hàng Citybank (Mỹ). Do vậy, Viện cho rằng công ty Arabella là công ty “ma” do Chi tự dựng lên là không có cơ sở.
Ngoài ra, bản án cũng cho rằng, khi không thể thanh toán đủ tiền mua gạo của Imex Trà Vinh, Chi đã có nhiều động thái tích cực, bán tài sản để trả nợ và đã trả hết cho Imex Trà Vinh nợ gốc và lãi. Cho tới trước khi xét xử sơ thẩm thì Chi chỉ còn nợ Imex Trà Vinh số tiền lãi phát sinh. Do đó không có căn cứ để truy tố Chi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như các vị công tố đề nghị.
Hội đồng xét xử nhận định thêm, khi gạo được nhập vào Nga qua cảng Viễn Đông, lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước này, Chi cùng bắt tay với đối tác khác làm hóa đơn khống để trốn thuế. Sau đó, 2 người này lại tiếp tục lợi dụng chính sách không đánh thuế thu nhập khi doanh nghiệp tái đầu tư vào nội địa ở Nga, dùng số tiền này mua cổ phiếu. Do đó, tòa cho rằng Chi đã phạm tội "Sử dụng trái phép tài sản” và tuyên phạt Chi 4 năm tù giam. Tòa chấp nhận sự tự nguyện của Chi trả cho Imex Trà Vinh số tiền lãi phát sinh còn lại là hơn 2,6 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Nguyễn Thọ Trí, nguyên giám đốc Công ty Imex Trà Vinh, tòa cho rằng, khi ký hợp đồng bán gạo cho Chi, Trí đã tìm hiểu về công ty Arabella và sau đó là chủ động buộc Chi phải trả nợ... Việc để Chi sử dụng trái phép tiền, Trí cũng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình công tác của mình Trí đã có rất nhiều công trạng để phát triển Imex Trà Vinh, được khen thưởng, nên tòa tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thọ Trí.
Công Lũy