Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 19/7/2021, 01:09 (GMT+7)

Người vô gia cư giữa tâm dịch Sài Gòn

Thu nhập từ bán vé số, lượm ve chai không còn, nhiều lao động nghèo ở Sài Gòn phải sống nhờ những suất cơm từ thiện, bánh mì 0 đồng.

Đồng hành cùng nhóm thiện nguyện Bánh mì 0 đồng tặng bà con nghèo, vô gia cư ở Sài Gòn, anh Ngô Trần Hải An đã chứng kiến không ít hoàn cảnh khó khăn trên đường phố trong những ngày TP HCM bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và ghi lại dưới ống kính của mình.

"Rất nhiều trong số họ là những người bán vé số, lượm ve chai... không có nhà để ở. Do đó, cái họ cần là đồ có thể ăn được liền chứ không thể tặng cơm gạo mắm muối vì họ không thể nấu", anh Hải An chia sẻ.

Bà cụ co ro tại trạm chờ xe buýt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Những ngày gần đây, Sài Gòn cứ chiều lại đổ mưa, nền đất thêm ẩm ướt nhớp nháp và đêm lạnh hơn nhiều, nỗi lo qua đêm ở đâu càng đè nặng lên vai những người không nhà như bà cụ.

Ông Sơn, gần 70 tuổi, quê Long An, bị câm điếc, mưu sinh bằng nghề bán vé số ở góc đường Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, TP HCM. Cuộc sống vất vả nhưng ông vẫn cưu mang con chó nhỏ. Trong mùa dịch, ông được một số mạnh thường quân giúp đỡ, trao tặng 75 triệu đồng, sau nhiều lần từ chối, ông mới đồng ý nhận 5 triệu và ra dấu muốn chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khác khó khăn hơn mình.

Phút chợp mắt của một lao động nghèo trên đường phố.

Người đàn ông nằm ngủ bên vỉa hè đường Phan Đình Phùng.

Chiếc bánh mì 0 đồng từ nhóm thiện nguyện bổ sung thêm khẩu phần ăn cho những người lao động nghèo.

Vợ chồng anh Hạnh (ngồi trên) mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, bán vé số để lo cho hai con nhỏ. Cách đây vài ngày, hình ảnh nhà 4 người phải lang thang, ngủ bờ ngủ bụi ở đường phố Sài Gòn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Hạnh nói: "Trước đây, hai vợ chồng tôi bán vé số, lượm ve chai kiếm sống qua ngày, tạm đủ ăn. Nhưng từ ngày vợ sinh con, tiền bệnh viện nhiều cộng thêm Covid-19 đến khiến hai vợ chồng không kịp xoay xở để trả tiền trọ nên bị người ta đuổi ra ngoài".

May mắn sau đó, gia đình anh Hạnh được các mạnh thường quân hỗ trợ trả tiền trọ và tiền sinh hoạt. "Chúng tôi đã tạm đủ ăn nhưng chưa biết tình hình những ngày tới sẽ thế nào", anh Hạnh cho hay.

Một bà mẹ tranh thủ đem hai đứa con đến đài nước trước một công ty trên đường Nguyễn Trãi tắm, rồi quay về lại "ngôi nhà" trên vỉa hè, kèm hai thùng nước xách từ đài phun để dùng sinh hoạt.

Ngoài người vô gia cư thì người dân nghèo, khó khăn trong các khu phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19 cũng rất cần được hỗ trợ bởi đã mất kế sinh nhai - vốn là những công việc kiếm tiền trang trải từng ngày. Để có thông tin lên kế hoạch hỗ trợ, nhóm liên hệ với các cơ quan chức năng, họ sẽ cung cấp danh sách, các địa điểm phong tỏa cần trợ giúp.

Chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch" mở rộng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi sự chia sẻ lúc này đều rất quý báu với những người nghèo, người lao động mất kế sinh nhai, trẻ em, người khuyết tật trong các mái ấm, nhà mở. Mọi đóng góp xin gửi về tại đây.

Ngô Trần Hải An