Phan Kiên Cường đến Czech năm 1993 để đoàn tụ với cha, người nghiên cứu về điện tử tại đây và đã mở công ty riêng. Cường cho biết: “Tôi cảm thấy như thể ở đây không phải là nước ngoài”.
Cường nói thành thạo tiếng Czech, theo học tại các trường địa phương và đề cao đặc sản bia và các toà nhà cổ kính ở Czech.
Là một cố vấn pháp luật, Cường luôn giành được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp. Chàng trai 28 tuổi tâm sự: “Tôi cảm thấy sự gần gũi và đã hoà nhập vào xã hội Czech”.
Tuy nhiên, khi làn sóng người Việt Nam di cư đến Czech đang gia tăng về số lượng, các quan chức lo ngại ngày càng có ít hơn những người có kinh nghiệm như Cường.
Thứ trưởng Ngoại giao Jaroslav Basta nói: “Có sự khác nhau giữa những người xin di cư đến Cộng hòa Czech trước đây và hiện nay. Hiện nay, người Việt Nam tới đây để kinh doanh, nhưng cũng có hiện tượng tuyển mộ những người Việt Nam không đủ trình độ sang làm việc”.
Theo Thứ trưởng Basta, những người Việt Nam muốn sang Czech làm việc cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa.
Ngày càng nhiều người Việt Nam xin visa vào Czech. Năm 2001 chỉ có khoảng 900 người Việt Nam nộp đơn xin visa nhưng năm nay, chính quyền Czech đã nhận 10.041 đơn xin visa của người Việt Nam.
Theo Cục Thống kê, tính từ năm 2000, số lượng công dân Việt Nam tại Czech đã tăng 73% và tăng gấp 5 lần kể từ năm 1994. Người Việt Nam hiện là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại Czech, chỉ đứng sau người Slovakia và Ukraine.
Thứ trưởng Basta cho rằng việc gia tăng số người Việt Nam xin visa vào Czech là vì lo ngại rằng nước này sẽ thắt chặt vấn đề nhập cư sau khi gia nhập Hiệp ước Schegen về việc đi lại tự do vào năm tới. Mặt khác, một số người Việt Nam xem Czech là một nơi khá lý tưởng để sinh sống, làm việc.
Người Việt Nam xin visa vào Czech khó hơn rất nhiều so với cách đây một thập kỷ khi số người bị từ chối chỉ khoảng 10 %. Hiện nay con số này đã lên tới 50%. Thứ trưởng Ngoại giao Basta cho rằng tỷ lệ bị từ chối cao như vậy liên quan đến mục đích xin visa.
Tuy nhiên, những người làm việc với người Việt Nam nhập cư lại khẳng định rằng họ không tạo ra gánh nặng cho kinh tế địa phương vì Czech đang cần nhiều lao động.
Bà Eva Pechova - Chủ tịch Hiệp hội công dân Hà Nội ở Prague, cho biết: “Ngày càng có nhiều người tới đây để làm việc. Nhiều nhà máy đau đầu với tình trạng thiếu lao động”.
Cũng theo bà Pechova, số lượng sinh viên Việt Nam (lao động trình độ cao) tới Czech làm việc đang tăng nhanh.
Bà khẳng định toàn bộ cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở đây từ khi còn trẻ, đã hòa nhập rất tốt vào xã hội địa phương và ngày càng nâng cao hình ảnh của họ tại Czech
(Theo Tiền Phong/The Prague Post)