Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Điều 466 quy định: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật, có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý...
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, theo quy định trên, khi mẹ chị vay tài sản và các bên có thỏa thuận về lãi suất, mẹ chị vẫn có nghĩa vụ trả lãi theo như thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc miễn trả lãi hoặc giảm lãi suất trong trường hợp bên vay bị tai nạ, dẫn đến việc không có khả năng trả lãi.
Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng tôn trọng thỏa thuận giữa các bên, nếu các thỏa thuận đó không trái pháp luật. Do đó, trong trường hợp này, gia đình chị có thể thỏa thuận lại với bên cho vay về tình hình tai nạn, nếu họ đồng ý cho miễn trả lãi thì mẹ chị sẽ không phải trả lãi. Mặt khác, nếu gia đình chị không có nhu cầu vay tài sản nữa và có khả năng thanh toán nợ (gốc và lãi) trước hạn thì cần sớm trao đổi, thỏa thuận với bên cho vay để đạt được phương án trả nợ tốt nhất.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội