Theo Trung tâm Dịch vụ Ly hôn Trung Quốc, đối mặt với khủng hoảng kinh tế không phải là lý do chính để các cặp đôi chia tay. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính trong nhiều trường hợp làm tăng căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, dẫn tới hôn nhân tan vỡ.
Kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng gặp nhiều thử thách, việc phân chia tài sản cũng như ổn định cuộc sống sau khi ly dị đang trở thành vấn đề được nhiều gia đình quan tâm. Ming Li, nhân viên của một công ty tư vấn tài chính và hôn nhân, cho hay, đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới cách làm thế nào để giảm chi phí hoặc tư vấn về việc nợ nần khi ly dị. Số câu hỏi về các vấn đề nêu trên tăng gấp rưỡi chỉ trong vài tháng trở lại đây.
Theo một cuộc khảo sát qua mạng, số người Trung Quốc tìm kiếm tư vấn ly dị tăng 30% trong 6 tháng cuối năm. Phần nhiều số đó xoay quanh câu hỏi làm thế nào để bảo vệ tài sản sau khi chia tay.
Bất chấp thực tế mâu thuẫn trong các gia đình lên cao do thời buổi thóc cao gạo kém, nhiều cặp vợ chồng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để tiếp tục chung sống do lo ngại những khó khăn chờ đợi họ khi ly dị.
Wu Changzhen, Giáo sư tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, cho biết tuy vẫn là quá sớm kết luận mối liên quan giữa khủng hoảng tài chính và việc gia đình tan vỡ nhưng tỷ lệ ly dị có xu hướng giảm kể từ khi kinh tế Trung Quốc chững lại. Lý do là mọi thứ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, kể ca chi phí để chấm dứt hôn nhân.
Bên cạnh đó, sẽ không dễ cho các cặp đôi dự định chia tay có thể bán nhà với giá hời hoặc dọn ra ở riêng.
Trong năm 2007, quốc gia đông dân nhất thế giới đã có 2,1 triệu vụ ly dị, cao gấp 7 lần năm 1980, khi cải cách kinh tế bắt đầu được thực hiện.
Xuân Hòa (theo Reuters)