"Không thể tin nước có thể dâng cao như thế; Từ mấy mươi năm nay, con đường này chưa bao giờ bị ngập, thế mà hôm nay nước đã vào nhà". Đó là những câu nói được rất nhiều người Sài Gòn than thở trong chiều 13/11, khi mà mực nước từ các miệng cống cứ đen ngòm, hôi thối, chui lên.
Nước tràn bờ sông chảy thẳng ra đường Nguyễn Văn Luông, quận 6. Ảnh: Thiên Chương. |
Từ 14h30, triều đã bắt đầu dâng tại hầu hết tuyến đường ven sông tại quận 6, 8, Bình Thạnh, 12, Thủ Đức...
15h, tất cả các con hẻm dọc tuyến quốc lộ 1A, quận 12, ngập trong nước. Một số nơi, nước vượt bờ tràn vào nhà dân khiến nhiều người hoảng loạn.
Phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, rạch Đúc Nhỏ đe dọa tràn bờ. Người dân buộc phải đem cừ tràm ra gia cố. Đến 18h, việc đắp cát gia cố các vị trí xung yếu vẫn diễn ra, tuy nhiên đường Kha Vạn Cân đã đầy nước, mực nước cao gần tới yên xe.
18h30, nhiều khu vực trũng thấp khác của thành phố bắt đầu bị ngập sâu. Khu vực Thanh Đa, phường 26, 27, (quận Bình Thạnh), dù các trạm bơm đã chạy hết công suất nhưng vẫn không làm vơi được biển nước.
19h, người dân sống ở những nơi vốn đã quen với cảnh ngập nước vì triều cường như tuyến đường Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy (quận 8), Nguyễn Văn Luông (quận 6), tỏ ra bất ngờ trước con nước hung dữ cứ dâng cao từng phút. Ghi nhận của VnExpress.net, nhiều điểm nằm trên tuyến đường này đã bị ngập gần 70cm
"Dù đã chuẩn bị tinh thần dọn dẹp đồ đạc trong nhà do sáng 13/11 triều lên khá cao, nhưng chúng tôi không ngờ, chiều tối cùng ngày, nước còn dâng cao hơn", ngồi xổm trên ghế, anh Hiệp, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, nói. Tại con đường này, nước ngập kéo dài hơn 2 km, khiến xe tắt máy hàng loạt. Giao thông ngừng trệ, hàng đoàn người đi xe máy phải đứng đợi nước rút.
Chủ hàng gạo ở quận 6 bất ngờ khi hàng hóa của mình bị nước tấn công. Ảnh: Thiên Chương. |
Không chỉ tấn công khu vực ngoại thành ven sông, triều cường còn đe dọa các quận nội thành vốn ít bị ngập úng. Một số hộ dân sinh sống tại đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, cho biết, từ 40 năm nay, đây là lần đầu tiên con đường trước nhà họ bị ngập do triều cường. Nhiều hộ dân sống tại đường Nguyễn Trãi, cùng quận, cũng hết sức ngạc nhiên vì lần đầu tiên họ thấy, triều "liếm" miệng cống.
Tuyến Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đoạn gần cầu Kiệu như bị biến thành sông, nhiều người ngán ngẫm khi buộc phải dắt bộ trong dòng nước sông hôi thối. Nạn kẹt xe cục bộ cũng diễn ra khi mọi người thi nhau tránh nước bằng cách đi lên lề. Riêng đường Điện Biên Phủ, đường D2 (quận Bình Thạnh)... nước ngập cũng dâng từ đường vào hẻm, tràn cả vào nhà dân, khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Theo nhận định của một số người dân sống tại đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8 và phường Hiệp Bình Phước - Thủ Đức, tốc độ triều dâng trong đợt này khá chậm, tuy nhiên đỉnh triều lại cao nhất từ trước đến nay.
Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão TP HCM, cho biết, chỉ riêng đợt triều sáng nay, toàn thành phố đã vỡ 13 đoạn đê bao với chiều dài 39 m, 32 đoạn tràn bờ (dài 3.186m), ảnh hưởng nặng nề nhất là quận 12 và Thủ Đức.
Còn theo ông Trần Văn Tấn - Chủ tịch phường An Phú Đông, quận 12, trong hai ngày qua, triều cường đã gây thiệt hại khoảng 50 ha hoa màu, cây cảnh, tràn bờ một số khu vực.
Tại khu vực Bình Quới, quận Bình Thạnh, nước chảy ngập nhà dân. Ảnh: Kiên Cường. |
Theo Chi cục Thủy lợi TP HCM, ngày 14/11 triều vẫn còn ở mức 1,51m (thấp hơn ngày 13/11 0,01 m), sau đó sẽ xuống ở mức 1,47 m; 1,44 m và 1,38 m vào các ngày tiếp theo.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vị trí tâm đợt áp thấp nhiệt đới ở biển Đông đang cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 330 km về phía Đông. Trong 24h tới, áp thấp di chuyển theo hướng Tây, đợt áp thấp này được cảnh báo sẽ gây bất lợi cho TP HCM do sẽ có mưa lớn.
Như vậy trong những ngày tới Sài Gòn vẫn bị đe dọa bởi tình trạng ngập nước.
Thiên Chương - Kiên Cường