Chiều muộn ngày đầu tháng 7, khi mặt trời dần tắt, bà Trí, 77 tuổi, trú thôn Đình Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, đi ra khu vườn rộng khoảng 3.000 m2 phía sau nhà, quan sát đàn chim cói về đậu trên các cành cây bài lài. Tiếp đó bà quét vườn, dọn dẹp phân chim trên lá chuối, cành cam, bưởi.
Bà Trí là giáo viên về hưu, chồng làm kiểm sát viên, đã mất hơn 30 năm. Gia đình có bốn người con, ba người đã lập gia đình ở riêng, con trai 45 tuổi sống cùng mẹ, chưa lấy vợ. Năm 21 tuổi, khi lấy chồng về xã Cẩm Lạc, bà đã thấy đàn chim trời về trú ngụ tại khu vườn cha ông để lại, với nhiều loài như cò, vạc, cói, diệc... Qua thời gian số loài giảm dần, nay còn lại chim cói.
Nằm ở cuối thôn, khu vườn của gia đình bà Trí trồng nhiều cây cối hơn các hộ dân xung quanh. Bao quanh ngôi nhà cấp bốn là khoảng 30 cây bài lài cao 10-15 m, 10-50 tuổi, ngoài ra còn có các loại cây ăn quả như chuối, ổi, cam, chanh...
Hàng năm chim trời bay về vườn của bà Trí từ tháng 2 đến cuối tháng 9 âm lịch thì rời đi. Chim làm tổ trên 30 cây bài lài, một cây có khoảng 15 tổ, được kết bằng các cành và rễ cây khô, đường kính khoảng 20 cm. Trong 7 tháng về vườn bà Trí trú ngụ, chim sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa đẻ 3 đến 5 trứng. Ước tính, số lượng chim hiện nay hơn 500, chủ yếu là cói.
Chim sinh sản nhiều nhất vào cuối tháng 4 âm lịch, lúc trời dịu mát, chim non nhanh đủ lông đủ cánh. Những lứa sau, chim sinh trưởng ít hơn. Mỗi buổi sáng, chim bố mẹ bay đi kiếm thức ăn, gần trưa tha mồi về nuôi con, việc này lặp lại vào chiều cùng ngày.
"Đàn chim như một phần ký ức của gia đình tôi. Tiếng chim non, chim mẹ kêu ríu rít mỗi khi đi săn mồi về như báo hiệu những thời khắc sáng, trưa tối của mỗi ngày. Ba người con đã dựng vợ, gả chồng, mỗi khi gọi điện thoại cho mẹ không quên hỏi han việc chim sinh sống trong vườn thế nào. Lúc về thăm nhà, chúng luôn ra vườn quan sát chim, dặn tôi phải bảo vệ cẩn thận", bà Trí nói.
Có những năm chim về muộn do trời rét buốt kéo dài, bà Trí thấy trống vắng, mỗi buổi sáng và chiều lại ra vườn trông ngóng. Trong 5 tháng (tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau) khi nhiều đàn chim trưởng thành rồi rời đi nơi khác, bà cùng con trai cải tạo lại vườn, trồng thêm cây, làm hàng rào sắt bao quanh phía dưới để ngăn người lạ xâm nhập, chờ đón đàn chim trở lại vào mùa xuân.
Nhìn từ trên cao, khu vườn của gia đình bà Trí được phủ bởi những cây bài lài cổ thụ với tán rộng hơn 5 m. Trước kia cây cối trong vườn rậm rạp hơn, có tán rộng hàng chục mét, tỏa bóng mát tận nhà, song cơn bão Doksuki hồi tháng 9/2017 khiến nhiều cây lớn bị quật đổ, nhánh gãy la liệt. Hàng chục tổ chim bị gió thổi đổ xuống đất, trứng vỡ, chim non chết. Sau thời gian này, chim về vườn bà Trí ít hơn, từ hàng nghìn xuống còn vài trăm con.
"Mỗi lúc đài dự báo bão đổ bộ Hà Tĩnh là tôi thót tim, lo đàn chim trong vườn sẽ gặp nạn. Hai năm trước, địa bàn lại trải qua một trận bão, mưa gió hoành hành, nhiều chim non gió thổi văng xuống đất, hoặc mắc kẹt trên các cành cây và bị thương, tôi ra bắt vào kiểm tra, sau đó bắc thang trèo lên cây đặt chúng vào tổ để chim bố, chim mẹ chăm sóc", bà Trí kể.
Góp sức bảo vệ đàn chim hàng chục năm qua ngoài bà Trí và con trai còn có người em dâu Bùi Thị Miên, 79 tuổi, sống ở vườn bên cạnh. Hai năm qua, vườn của bà Miên cũng có một vài con chim cói về trú ngụ trên cây bài lài mới trồng. Hai chị em bà Trí thống nhất chị đi vắng thì có em và con trông coi.
Trước kia, thỉnh thoảng người lạ ở vùng khác đến săn bắn chim bán cho quán hàng, các thành viên trong gia đình đã ra thuyết phục, khuyên nhủ không nên làm vậy. Nay tình trạng đã chấm dứt.
Tuổi thất thập, bà Trí ước trời cho sức khỏe để được bảo vệ và nhìn thấy đàn chim về vườn hàng năm. "Một vài người nói phân chim trong vườn ô nhiễm, nhưng tôi cười bảo thường xuyên dọn dẹp khuôn viên sạch sẽ. Niềm vui mỗi ngày của tôi là được thấy đàn chim bay lượn khỏe khoắn trên bầu trời sau mỗi giờ đi kiếm ăn về", bà Trí nói.
Ông Nguyễn Viết Thuấn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, đánh giá việc bảo vệ đàn chim trời của bà Trí và thành viên trong gia đình là "tuyệt vời và vì cộng đồng".
"Những năm trước xã phát động phong trào xóa bỏ vườn tạp để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Gia đình bà Trí đề xuất xin giữ cây cối trong vườn để chim sinh trưởng và nhận được đồng ý của các cấp. Vườn có nhiều cây ăn quả và cây cổ thụ có giá trị kinh tế, ngoài ra còn là nơi trú ngụ của đàn chim, góp phần tạo nên môi trường xanh và trong lành cho làng quê", ông Thuấn nói.