Ở tuổi 53, Kerry Burnett đã lên chức bà. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn sở hữu cơ thể cân đối, thân hình linh hoạt của các cô gái ngoài 20. Burnett cho biết điều này là do thời gian dài luyện tập múa cột, coi đó là thói quen hàng ngày.
"Tuổi đã cao, nhưng đây là lần đầu tôi cảm thấy dễ chịu từ ngoài cho tới bên trong. Múa cột không chỉ giúp tôi phục hồi cơ thể, nó còn khiến những điều tiêu cực trong cuộc sống biến mất", bà nói.
Khi còn nhỏ, Burnett đã phải chiến đấu với chứng rối loạn ăn uống. Căn bệnh cướp đi ước mơ trở thành vũ công của bà. Burnett thường bị đánh giá là "quá béo" khi còn học ở trường sân khấu. Tại đây, bà chỉ được phép ăn bắp cải và uống nước.
Với chế độ ăn uống kém lành mạnh, Burnett trở nên đói hơn và mất kiểm soát với thực phẩm. Bà luôn ám ảnh về cân nặng, khiến tâm lý bị ảnh hưởng.
"Tôi không biết cách nào giảm cân ngoài việc nôn ra toàn bộ số thức ăn đã ăn. Đây là trải nghiệm rất cô đơn", bà kể lại.
Tuy nhiên, kể từ khi hình thành thói quen tập gym và múa cột ở tuổi 47, cuộc sống của bà thay đổi hoàn toàn. Vào thời điểm mới tập luyện, bà lo ngại về tuổi tác. Ban đầu, Burnett chỉ định tham gia một lớp học thử. Tuy nhiên, việc hòa mình vào các động tác với những học viên khác đem lại cảm giác sảng khoái, không phán xét. Burnett cho biết tại lớp học, bà gặp những người với nhiều hình thể khác nhau. Vì vậy, bà duy trì tập luyện tới 6 năm.

Kerry Burnett múa cột ở tuổi 53. Ảnh: NY Post
Burnett chia sẻ múa cột là một bộ môn khó nhưng gây nghiện. Thậm chí, bà bắt đầu tham gia các cuộc thi và biểu diễn. Giờ đây, bà có thể chia sẻ tình yêu với môn múa cột cùng những người khác, giúp học viên cảm thấy tự tin hơn về bản thân và có các trải nghiệm lành mạnh về cả thể chất, tinh thần.
Theo các chuyên gia, múa cột là một bài tập luyện toàn thân. Ngay ở cấp độ thấp nhất, các động tác tạo áp lực lên nhiều nhóm cơ cùng một lúc. Nhiều động tác yêu cầu người tập nâng và giữ trọng lượng cơ thể của chính mình, lý tưởng để xây cơ lưng, bắp tay, cơ tam đầu và cẳng tay.
Múa cột cũng giúp tăng tính linh hoạt của cơ thể, cải thiện tư thế. Với các hành động như vặn, duỗi và uốn cong cơ thể khi múa cột, người tập rèn luyện cả cơ và khớp, khiến chúng trở nên dẻo dai và linh hoạt hơn.
Bộ môn này cũng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành ở độ tuổi 18-64 nên hoàn thành ít nhất 150-300 phút tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải hoặc 75-150 phút tập thể dục nhịp điệu cường độ mạnh mỗi tuần. Đạt được tiêu chuẩn này giúp giảm 40% khả năng phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, 35% bệnh tim và 20% một số bệnh ung thư.
Múa cột là cách lý tưởng để đạt được khuyến nghị của WHO, vì nó giúp tăng nhịp tim, kết hợp toàn bộ cơ thể, ngay cả ở cấp độ mới bắt đầu. Bộ môn này có cường độ nằm giữa hoạt động thể chất vừa phải và hoạt động mạnh, có thể so sánh với thể dục nhịp điệu hoặc calisthenics (các bài tập tăng cường thể lực sử dụng trọng lượng cơ thể). Điều này có nghĩa là bạn không cần phải tập quá nhiều mỗi tuần mới có lợi ích sức khỏe tim mạch.
Thục Linh (Theo NY Post)