![]() |
Người Pháp ở Mỹ đi bỏ phiếu ở Washington DC. Ảnh: AFP. |
Trong số 12 ứng cử viên, hai nhân vật dẫn đầu trong các cuộc thăm dò là ông Nicolas Sarkozy (phe trung hữu) và bà Segolene Royal (cánh tả). Tiếp theo là Fracois Bayrou (trung dung) và Jean-Marie Le Pen (cực hữu).
Sarkozy hứa hẹn tạo ra một sự “đoạn tuyệt” với quá khứ bằng những bước cải cách kinh tế thực sự. Segolene Royale thuộc đảng Xã hội thì hy vọng trở thành nữ tổng thống Pháp đầu tiên, tuyên bố sẽ xây dựng một xã hội công bằng hơn. Francois Bayrou khẳng định sẽ đoàn kết phe tả và hữu trong một chính phủ đoàn kết dân tộc. Jean-Marie Le Pen, 78 tuổi, lại tỏ ra tự tin ông sẽ vào vòng hai, như ông đã làm được trong cuộc bầu cử tổng thống trước năm 2002.
Nhiều người Pháp tin rằng đất nước cần có sự thay đổi, sau 12 năm nền kinh tế có hướng đi xuống dưới thời Tổng thống Jacques Chirac.
Lần này, có hơn 1 triệu cử tri mới đăng ký, mức tăng lớn nhất ở Pháp trong 25 năm qua. Nhiều người trong số họ là những người Pháp trẻ tuổi sống ở nước ngoài. Khoảng 1,5 triệu cử tri sẽ sử dụng máy bỏ phiếu điện tử lần đầu tiên, loại máy mà các thành viên thuộc đảng Xã hội và một số đảng đối lập khác miêu tả là không đáng tin cậy.
Các cử tri Pháp ở các khu vực hải ngoại bắt đầu bỏ phiếu từ hôm qua. Lần đầu tiên những nơi xa xôi như Guadeloupe, Martinique, Polynesia và hai hòn đảo nhỏ ở phía đông bắc Canada bỏ phiếu trước chính quốc. Điều này nhằm tránh tái diễn tình trạng năm 2002. Khi đó, do sự chênh lệch múi giờ, người ta biết được kết quả bầu cử tại Pháp, trước khi bỏ phiếu ở hải ngoại kết thúc.
M.C. (theo BBC, AP)