Theo điều 11 của dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy, người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tệ nạn ma túy trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa bàn quản lý của mình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba thẳng thắn bác bỏ: "Quy định trên không thực tiễn. Đến ngay cả vợ con cũng không biết chồng, cha của mình nghiện ma túy lúc nào thì làm sao người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi họ công tác biết được".
Dẫn chuyện cách đây 10 năm, nghị quyết của Quốc hội đã quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra buôn lậu, tham nhũng ở cơ quan mình, nhưng thực tế chưa ai bị xử lý, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nói: "Luật ghi như thế nghe thì ghê gớm, nhưng thực ra rất mơ hồ và không khả thi. Không biết người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm gì, hành chính hay hình sự?".
Ông Vượng cũng như đa số đại biểu cho rằng nên bỏ điều khoản này. Nếu nói đến trách nhiệm người đứng đầu, dự luật đã đề cập bằng quy định: người nào dung túng, bao che hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tệ nạn ma túy nghiêm trọng, kéo dài trong cơ quan, địa bàn mình phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đồng tình với quy định về trách nhiệm người đứng đầu. "Đây là căn cứ để xử lý, đồng thời giúp người đứng đầu thấy rõ trách nhiệm, tránh tình trạng khoán trắng cho cơ quan chuyên môn", ông Bình nói. Ông cũng cho rằng việc quy định như vậy cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước.
Trước các ý kiến trái chiều, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất một giải pháp trung hòa. Đó là nên quy định trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng không phải trong dự luật này mà là trong các quy định của Đảng, của cơ quan nhà nước.
Sử dụng ma túy có phải là phạm tội?
Nhận xét về dự luật này, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng quan điểm về người sử dụng ma túy chưa rõ ràng, từ đó rất khó cho cơ quan hoạch định chính sách. Ông Vượng dẫn chứng thấp thoáng trong dự luật này coi người nghiện là bệnh nhân, cần được chữa trị, nhưng trong Bộ luật hình sự thì lại coi là tội phạm hình sự.
Điều 199 Bộ luật hình sự 1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm. |
"Theo tôi nên coi người nghiện như nạn nhân của tệ nạn xã hội, do đó nên bỏ điều 199 của Bộ luật hình sự về việc xem người tái phạm sử dụng ma túy là tội phạm", ông Vượng đề xuất. Ông cho rằng việc xử lý tội phạm ma túy của Việt Nam quá nặng, dẫn đến tình trạng án ma túy tồn đọng quá nhiều. Việc thi hành án càng khó hơn bởi người nghiện đã khuynh gia bại sản, không thể có tiền nộp phạt.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn: "Câu hỏi đặt ra là từ khi có Luật phòng chống ma túy, rồi sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng hình thức xử phạt, nhưng tại sao tội phạm ma túy không giảm? Vấn đề là ở đâu, có nên bỏ điều 199 Bộ luật hình sự, vì thực tế rất ít người sử dụng ma túy và tái phạm bị phạt tù".
Để không đi quá sâu vào một điều khoản không thuộc dự luật này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng: "Sắp tới ta sẽ sửa Bộ luật hình sự với hai vấn đề lớn là các hình phạt và thế nào là hành vi phạm tội. Lúc đó sẽ đưa vấn đề này ra".
Ngoài những vấn đề nêu trên, các ủy viên Thường vụ đã nhất trí không tăng thời gian cai nghiện bắt buộc lên tối đa 3 hoặc 5 năm như đề xuất của một số cơ quan, mà giữ nguyên 2 năm như hiện nay.
Theo thống kê của Chính phủ đến cuối năm 2007 có tới 178.000 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Dự báo sau năm 2010, người chết do nghiện ma túy lên tới con số 10.000 mỗi năm.
Dự luật sửa đổi Luật phòng chống ma túy dự kiến được trình và thông qua ngay tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Hồng Khánh