Sinh ra và lớn lên ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chị Tống Kiều Oanh (1977) cứ ngỡ mình sẽ gắn bó với vùng đất yên bình này, nhưng không ngờ cuộc đời chị lại gắn liền với những chuyến đi. Thuở nhỏ, chị thường xuyên theo bố mẹ từ Thanh Hóa cho đến Thái Nguyên, Hà Nội rồi lại quay về Bỉm Sơn sinh sống.
Sau này, công việc của chị lại gắn liền với những chuyến công tác dài ngày của vùng đất Tây Nguyên kỳ vỹ. Dù luôn bận rộn với những chuyến đi, chị vẫn như một làn gió mới để mang đến niềm vui cho những người xung quanh.

Chị Tống Kiều Oanh luôn tâm huyết những đề tài dành cho phụ nữ.
Học lớp chuyên Văn từ thời trung học nhưng chị Oanh lại chọn Lịch sử làm chuyên ngành chính của mình khi đặt chân vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Với chị, tìm hiểu văn hóa và lịch sử của đất nước cũng chính là góp phần vào tình yêu dành cho văn chương của chị.
“Niềm đam mê văn học đã ngấm vào máu tôi, ngay từ thời cấp 2 tôi đã tập tành viết bài cho báo Hoa học trò, báo Nhi Đồng. Khi mẩu tin bé tẹo đầu tiên được đăng trên báo Nhi Đồng đã khiến tôi hạnh phúc biết bao, cảm xúc ấy bây giờ vẫn còn mới mẻ trong tôi”, chị chia sẻ. Và chính niềm đam mê này đã thôi thúc chị cộng tác cho nhiều báo, tham gia các cuộc thi viết và đạt được được một số giải thưởng khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Sau khi tốt nghiệp, chị vào làm tại Đài truyền hình và tiếp tục gửi tất cả tình yêu và tâm huyết của mình vào trong mỗi tác phẩm.
Cứ ngỡ Hà Nội sẽ gắn liền với cuộc sống chị Oanh một lần nữa nhưng ai có thể ngờ được, sau khi kết hôn, chị lại khăn gói theo lại theo chồng vào Tây Nguyên lập nghiệp, ở thuê trong một căn phòng nhỏ. Khác hẳn với Hà thành thơ mộng, vùng đất Đắk Nông hoàn toàn đối lập với “Cỏ cây khô khát. Đất bazan khát. Hai bên đường vắng vẻ quạnh hiu, cỏ cây phủ một màu bụi đỏ” (trích Đã xanh cây bén rễ bởi đất này).
Ấy thế mà chị Oanh cũng dần thích nghi được với cuộc sống mới và niềm đam mê ngày nào vẫn còn cháy bỏng, chị xin vào công tác mảng văn nghệ của báo Đắk Nông, sau này chuyển qua Tạp chí Nâm Nung và hiện tại giữ chức Trưởng Ban Biên tập của tạp chí này.
Nổi tiếng giỏi “chân đi” nhất của vùng, chị Oanh lại tiếp tục những chuyến hành trình biến đất lạ thành quen, mang cảm xúc thổi hồn vào những tác phẩm văn chương ấy. Cứ thế, chị lại đều đặn ghi chép lại những nơi “chân qua” với hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại của chị thường xuyên được đăng tải trên Tạp chí Nâm Nung và các báo Trung ương, địa phương... Những cảnh đời, người thật việc thật chị gặp đều mang đến những cảm nhận riêng từ đặc trưng cuộc đời của họ.
Thấp thoáng trong mỗi tác phẩm của chị vẫn là tình yêu, sự thôi thúc giục giã, hy vọng người phụ nữ phải biết sống tiến bộ và vươn lên mạnh mẽ hơn, dù trong hoàn cảnh đau thương nhất họ vẫn có quyền được sống và được hạnh phúc (trích từ tác phẩm "Ngày mai” - giải khuyến khích cuộc thi sáng tác truyện, ký, thơ về HIV/AIDS do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006).
Và “Những câu hát nghìn năm không cũ”, được đưa vào chương trình giảng dạy văn học địa phương trong hệ thống các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, bởi tất cả đều là cảm xúc khó quên của chị sau những chuyến đi thực tế ý nghĩa tìm hiểu về giá trị lịch sử, đất, nước, văn hóa và con người Tây Nguyên.

Chị Oanh (đứng giữa) cùng bạn bè tại triễn lãm mỹ thuật lần thứ XX khu vực VII, năm 2015.
Một ngày của chị Oanh khá bận rộn với việc tại cơ quan lẫn việc nhà, nhưng chị vẫn dành thời gian để duy trì những sở thích cá nhân của mình. Chị Oanh bật mí vẫn giữ thói quen học Anh văn mỗi ngày dù hơn 10 năm nay chị ít có dịp dùng đến. Thỉnh thoảng chị đi café, đọc một cuốn sách mới và chỉnh chu lại nhan sắc là cách chị yêu chính mình và thấy rằng đời vẫn đẹp với nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Với người phụ nữ này, tri thức đã giúp chị cảm nhận được vô vàn điều tốt đẹp, cho chị thêm niềm tin vào cuộc sống và sách chính là món quà yêu thích nhất mà chị muốn được nhận từ bạn bè và người thân. Để có được vị trí gắn liền với công việc yêu thích của ngày hôm nay, chị Oanh luôn có một nguyên tắc để quản lý thời gian một hiệu quả nhất, đó là sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, và đôi khi phải biết nói “không” với những yêu cầu có mức ưu tiên thấp.
Thành công từ công việc cũng một phần nhờ gia đình lý tưởng của chị, đặc biệt là cậu con trai biết tự lập từ nhỏ, khi cần có thể theo mẹ đến bất cứ đâu, hoặc ở với ông bà hàng tháng khi mẹ đi công tác. Vì vậy, những lúc thời gian cho phép, chị đều dành hết cho con và gia đình.

Chị Oanh tại “Hội nghị Những người trẻ viết về lý luận phê bình văn học nghệ thuật” khu vực phía Nam.
Theo đuổi đam mê thật sự của mình là một điều không hề dễ dàng, và nghiệp cầm bút lại càng khó hơn vì “việc đánh giá hay, dở đều tùy thuộc ở bạn đọc”, nhưng chị Oanh vẫn tiếp tục đam mê và tỏa sáng trong lĩnh vực của chính mình. Luôn tiến bước, học cách để trở thành người phụ nữ hiện đại tự tin chính là việc mà chị Tống Kiều oanh luôn thực hiện mỗi ngày. Mới đây, chị đã vinh dự được trao giải thưởng “Phụ nữ tự tin tiến bước” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công ty P&G - nhãn hàng Ariel và Saigon Coop tổ chức.
Mai Thương