Thời sự
Thứ tư, 11/9/2024, 13:05 (GMT+7)

Người Hà Nội bì bõm trong lũ chưa từng có 20 năm qua

Sáng 11/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội ở mức 10,86 m, vượt báo động hai 0,36 m, buộc người dân nhiều khu vực ngoại thành và ngoài đê nội thành Hà Nội phải sơ tán.

Nghĩa trang nhân dân thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chìm trong biển nước, trưa 11/9.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang ở mức 10,86 m, vượt báo động hai 0,36 m. Dự báo lũ có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9 với mức trên báo động hai và dưới báo động ba.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức báo động hai tại khu vực Long Biên, Hà Nội.

Nước lũ từ sông Cầu tràn vào thôn An Lạc từ hôm qua khiến khoảng 1.000 hộ trong làng bị cô lập, phải sử dụng đồ ăn từ các đoàn cứu trợ.

Người dân thôn An Lạc dùng thuyền di chuyển vào đường làng đang ngập hơn nửa mét.

Nằm ven sông Hồng, khu vực bãi bồi, công viên phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đang ngập sâu, chính quyền đã căng dây cấm người đi lại.

Từ đêm qua, mực nước trên sông Hồng tại Long Biên đã lên 10,5 m - mức báo động hai. Thành phố Hà Nội cho biết, tính từ năm 2008 đến nay, sông Hồng mới lên cao ở mức này, nên người dân có thể chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chính quyền có thể bị động.

Nước sông Hồng dâng cao, tràn vào khu dân cư ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm nằm dưới chân cầu Long Biên.

Chính quyền thành phố đã phát cảnh báo đến 10 quận huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Lúc 10h, phố Nguyễn Tư Giản, Phúc Tân ngập nửa mét. Người dân phải dùng thuyền đi lại.

Nhiều người dân ở phường Phúc Tân phải di chuyển bằng cách lội nước ngang ngực.

Nước dâng cao, nhiều hộ gia đình phải sơ tán đồ đạc có giá trị bằng thuyền.

Gia đình ông Vinh, cán bộ hưu trí phường Phúc Tân kê đồ đạc lên cao. Ông Vinh cho biết đã sống ở đây từ nhỏ và từ năm 1996 đến nay mới gặp cảnh ngập lụt dưới chân cầu Long Biên như năm nay.

"Nước lũ lên nhanh, trong vòng nửa tiếng đã cao thêm 30 cm. Cũng may là lũ lên vào ban ngày nên bà con chủ động sơ tán", ông nói.

Nữ sinh viên ở ngách 195 đường Hồng Hà ăn sáng khi nước đã ngập vào trong nhà.

Nhiều người đóng các bình nước thành chiếc bè tự chế để chở đồ đạc di tản khỏi phố Phúc Tân.

Trong cuộc họp sáng nay với UBND phường Chương Dương và Phúc Tân, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, yêu cầu di dời tất cả hộ dân trong phạm vi báo động một (khoảng 130 hộ với gần 500 nhân khẩu). Tạm thời di dời người dân đến chung cư The One, dọn dẹp chợ Hàng Bè để dự phòng; cần rà soát thêm một số địa điểm công khác để làm nơi đón dân.

Người dân mang xe máy, đồ đạc đến Nhà sinh hoạt cộng đồng số 1-2 phường Phúc Tân để cất tạm nhưng nước đã lên ngập nửa xe và tiếp tục dâng cao.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết qua theo dõi ảnh vệ tinh và ảnh radar thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu đang tồn tại và phát triển gây mưa cho Hà Nội. Ngoài ra, vùng mây đối lưu mạnh trên Bắc Ninh, Hưng Yên có xu hướng tiếp tục di chuyển về phía Hà Nội.

Từ nay đến 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này tiếp tục gây mưa rào và giông cho các quận Hà Nội. Trong mưa giông, có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp một.

Người dân Tứ Liên chạy đua cứu từng cây quất trong mưa lũ
 
 

Người dân Tứ Liên, Hà Nội cứu từng cây quất trong lũ. Video: Anh Phú

Các quận, huyện bị ngập, lụt khi lũ sông Hồng dâng. Đồ họa: Bá Nam.

Nguyễn Đông - Phạm Chiểu

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.