Năm 2018, Paul Wang rời Bắc Kinh tới Australia bắt đầu cuộc sống mới. Anh đầu tư một triệu AUD (680.000 USD) vào một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, kỳ vọng đủ điều kiện thành thường trú nhân theo diện visa đầu tư, thuộc chương trình Chương trình Đầu tư và Đổi mới Doanh nghiệp (BIIP).
Sau 5 năm, hy vọng của anh lụi tàn khi chính phủ Australia đưa chương trình gây tranh cãi này vào diện không ưu tiên. Tình trạng chậm xử lý hồ sơ khiến tương lai những người nhập cư giàu có như Wang rơi vào thế lấp lửng.
"Chúng tôi không ngờ quy trình mất nhiều thời gian như vậy. Cuộc sống của chúng tôi đảo lộn vì điều đó. Đơn giản là chúng tôi không thể lên kế hoạch trước khi còn nhiều điều không chắc chắn", Wang, 44 tuổi, ông bố có một con, nói.
Năm 2012, Australia giới thiệu chương trình BIIP, còn được xem là "visa Vàng", nhằm thu hút nhiều doanh nhân, nhà đầu tư đổ vốn và thúc đẩy đổi mới, giúp phát triển kinh tế. Với visa này, sau 3-4 năm tạm trú ở Australia, nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ xin tư cách thường trú nhân, thường gọi là visa 888.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, đánh giá hồi tháng 3 của chính phủ cho thấy đóng góp cho nền kinh tế của những người nhập cư BIIP chỉ bằng 1/2 so với người Australia trung bình, bất chấp sự giàu có của họ.
Phần lớn nhóm nhập cư này nhiều tuổi và không gặt hái được nhiều doanh thu từ các khoản đầu tư thụ động. Chính phủ Canada, Anh và Singapore đã hủy các chương trình visa đầu tư tương tự, sau khi kết luận rằng chúng không tạo ra việc làm và có thể là một phương tiện để lưu trữ tiền đầu cơ.
Trong thời gian Covid-19 bùng phát, mọi loại visa Australia bị đóng băng. Khi đại dịch hạ nhiệt, chính phủ đã cắt giảm thời gian xử lý các hồ sơ tồn đọng. Nhưng khi Công đảng Australia lên nắm quyền vào năm ngoái, Canberra đã chuyển ưu tiên sang giảm thiểu tình trạng thiếu lao động lành nghề.
Động thái này phần nào kéo dài thời gian xử lý hồ sơ xin tư cách thường trú BIIP của hơn 3.000 nhà đầu tư và gia đình, phần lớn là người từ Trung Quốc. Hầu hết các hồ sơ mất gần ba năm để xử lý, so với mức một năm trước đây.
Hôm nay, hơn 50 người nhập cư BIIP, chủ yếu là người Trung Quốc, tổ chức một cuộc biểu tình ở Sydney, yêu cầu chính phủ đẩy nhanh tốc độ cấp tư cách thường trú nhân. Đây là động thái hiếm thấy bởi người nhập cư Trung Quốc thường ít tham gia các cuộc biểu tình.
Wang đã phải chờ 21 tháng. Khi được hỏi về tình trạng này, Bộ Nội vụ Australia cho biết chính phủ sẽ xử lý tất cả hồ sơ theo mức độ ưu tiên, đồng thời từ chối bình luận về các khiếu nại của người nhập cư BIIP.
Chính phủ Australia có kế hoạch giảm phân bổ BIIP từ 5.000 visa trong năm ngoái xuống còn 1.900 trong năm nay.
Trong khi đó, những người nhập cư diện này đang cắt giảm đầu tư kinh doanh do tình trạng bất định. Nhiều người phải trì hoãn các quyết định khác, một số bán tài sản hay phải duy trì bất đắc dĩ các doanh nghiệp thua lỗ để giữ triển vọng visa, bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng.
"Trạng thái chờ đợi khiến chúng tôi không thể đóng cửa hàng và chuyển hướng kinh doanh dù đang thua lỗ", Tan, nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu cửa hàng nội thất ở Melbourne, nói. Tan đã chờ 33 tháng.
Wang cũng từ bỏ kế hoạch mua đất mở rộng diện tích nhà máy chế biến thực phẩm vào năm ngoái vì không chắc chắn về tình trạng visa. Anh chuẩn bị bán tài sản ở Australia và dự định đưa vợ và con gái đến Mỹ.
"Nhiều người sẽ không thông cảm vì chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ. Nhưng chúng tôi không được đối xử công bằng", anh nói.
Đức Trung (Theo Reuters)