![]() |
Công trình thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: QĐND. |
Ông Thanh là một trong số đại biểu, đại diện cho người dân ở các địa phương phải chuyển tới khu tái định cư, dành đất phát triển thủy điện bày tỏ ý kiến trong buổi hội thảo Năng lượng tái định cư và phát triển bền vững do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào hôm qua, 9/3.
Theo ông Thanh, khi được vận động di dân để lấy chỗ làm công trình thủy điện Bản Vẽ, Tương Dương, Nghệ An, người dân trong bản ông đều vui vẻ chấp nhận và hy vọng nơi mới sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng khi được chuyển tới những ngôi nhà khang trang, mới xây, cách chỗ cũ xấp xỉ 200 km, nhiều hộ gia đình không chịu nhận nhà. "Chúng tôi chỉ coi đây là nơi ở tạm thôi, chứ nhà này chẳng hợp với truyền thống của người Thái, làm sao sống mãi được", ông Thanh nói.
Ông cho biết, dân tộc Thái tối kỵ việc đốc nhà chọc thẳng ra sông, chắn ngang khe suối hay đường cái lớn. Ngoài ra, cầu thang, bếp của họ không được hướng về phía nhà ở (nhà ở của người Thái thường bố trí hướng mặt ra sông). Nhưng hầu như các nhà mới ở đây đều làm ngược lại.
Ngoài ra, các ngôi nhà này thường nhỏ, mái quá ngắn nên khi trời nắng thì nóng, còn trời mưa lại dột từ trên xuống, tạt từ 4 phía vào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Theo đánh giá của các chuyên viên nghiên cứu về tác động của những dự án thủy điện tại Việt Nam, việc thiết kế, bố trí các phòng trong nhà tại nhiều khu tái định cư ở huyện Thanh Chương, Nghệ An đều không theo truyền thống của bà con dân tộc. Chẳng hạn, với dân tộc Thái, bao giờ bàn thờ tổ tiên cũng được đặt ở góc ngôi nhà nhưng nhà mới xây lại đặt ở chính giữa. Tương tự, dân tộc Khơ mú không hài lòng ở trong những ngôi nhà chỉ có một bếp (theo truyền thống của họ thì phải có hai bếp, một bếp để thờ còn bếp kia để nấu), phòng ngủ của con cái và bố mẹ không được đi thông nhau.
Ở khu tái định cư của dự án thuỷ điện A Vương - Quảng Nam lại trơ trọi, không có cây xanh nên mùa hè nhiệt độ rất nóng bức, mẫu nhà sàn của họ bây giờ không phải là mẫu nhà truyền thống, còn mái nhà thì thấp, tôn mỏng và hư hỏng do vậy người dân không thể ở trong mùa hè.
Bức xúc nước sinh hoạt
Tại khu tái định cư ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, ban quản lý thủy điện 2 đã đầu tư xây dựng hệ thống nước tự chảy, có đường ống kéo về tận bản chia theo cụm. Thế nhưng, lượng nước đến với dân không đảm bảo, có tuần chỉ 1,2 ngày có nước do đường ống đầu nguồn không có nắp chắn, thiếu hệ thống lọc rác nên lá cây rụng xuống dồn bịt lại.
"7 nhà phải chung nhau một vòi nước, mà lại không có nhà tắm, rất bất tiện, nhất là cho phụ nữ. Con gái Thái thường nâng váy, tắm ở suối rất thoải mái, giờ phải chịu cảnh này khó chịu lắm", ông Thanh, trưởng bản Kim Liên nói.
Còn theo bà Đào Thị Việt Nga, chuyên viên đã tham gia khảo sát môi trường sống ở các khu tái định cư công trình thủy điện, có chỗ, người dân phải dậy từ 2 giờ sáng đến bản cũ xách nước về dùng vì nơi mới quá thiếu.
Cũng vì chưa có đơn vị xã nên các khu tái định cư chưa có trạm xá riêng. Khi bị bệnh, nhân dân phải đến trạm y tế xã khám chữa trong khi đường khá xa và họ mới đến chưa biết lối. Người dân cũng chưa nhận được thẻ bảo hiểm y tế mới nên sẽ khó khăn nếu có bị bệnh nặng phải đi khám và điều trị tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó, ở nhiều khu tái định, hệ thống y tế và trường học còn rất thiếu. Ông Thanh kể: "Trường học ở cách xa khoảng 2 km, các em lớn có thể đến lớp, nhưng học sinh lớp 1, 2 thì khó khăn quá. Ngày trước, chúng tôi vẫn có lớp cho các cháu nhỏ ở tại bản".
Không những thế, nhiều địa phương chuyển đến nơi ở mới còn chưa được cấp đất sản xuất. Người dân bản Kim Liên sau hơn một năm chuyển đến Thanh Chương, Nghệ An vẫn chưa có đất canh tác. Trong 3 năm đầu di cư, mỗi năm, có 4 tháng họ được hỗ trợ 30 kg gạo/tháng. "Nhiều nhà đã tiêu hết tiền đền bù từ lúc ở chỗ cũ. Giờ đất sản xuất chưa có, đất vườn khô, thiếu nước, cũng chẳng làm được gì. Trong bản, người vào rừng kiếm rau, măng, săn thú bán..., người đi làm thuê, kiếm tiền", ông Thanh bày tỏ.
Tình trạng thiếu đất, thiếu nước sản xuất và tiêu hết tiền hỗ trợ của dự án cũng xảy ra với dân tái định cư của các công trình thuỷ điện khác, như A Vương (Quảng Nam), Tuyên Quang, Pleikrông (Kon Tum)...
Minh Thùy