Marc David có một tình yêu Việt Nam kỳ lạ. Ảnh tác giả cung cấp |
Có một mối liên hệ vô hình nào đó giữa chú và Việt Nam mà chính chú cũng không hiểu nổi, bởi cuộc đời chú có quá nhiều thứ gắn với Việt Nam. Sinh ra ở Sài Gòn năm 1946, trải qua thời thơ ấu khó khăn cùng bố mẹ là công nhân ngành đường sắt ở Chợ Lớn, mãi 9 năm sau, năm 1955, chú cùng gia đình về Pháp và chỉ còn láng máng những kỷ niệm ở Việt Nam qua lời kể ít ỏi của mẹ.
Cái “duyên” trời định kia lại khiến hầu hết bạn bè chú có “tý chút” gì đó liên quan đến Việt Nam, hoặc là người Pháp gốc Việt, hoặc người Pháp được sinh ra ở Việt Nam cùng thời với chú.
Thời trẻ, chú đã nung nấu ý định sang Việt Nam để nhìn lại nơi mình đã sinh ra, nhưng không thể thực hiện được. Chú từng nói trước sự ngạc nhiên của bố mẹ rằng “con muốn sau này mỗi năm được sang Việt Nam 3 tháng”. Cũng tưởng đó chỉ là câu nói xốc nổi của tuổi trẻ, ai ngờ điều đó đã trở thành sự thực.
Năm 2013, lần thứ ba và là lần đầu tiên đến Việt Nam với visa 3 tháng, chú ôm chầm lấy chúng tôi và nói “Tôi không mơ đấy chứ”. Trong ánh mắt của người đàn ông 67 tuổi ánh lên niềm vui khôn tả.
Không người Việt Nam nào không tự hào khi có một người nước ngoài yêu Tổ quốc của chúng ta đến vậy. Chú yêu những con người Việt Nam luôn nở nụ cười, luôn giúp đỡ chú khi cần qua đường. Chú bối rối mỗi khi lên xe buýt có người nhường chỗ ngồi. Mỗi khi như vậy chú lại quay sang tôi hỏi nhỏ: “Trông tôi có già lắm không?”.
Chú yêu những con đường Hà Nội đầy hoa phượng. Mỗi chiều chú ngồi hàng giờ bên hồ Gươm say sưa ngắm đường Đinh Tiên Hoàng nườm nượp xe qua lại, nhìn sâu và ghi nhớ từng chi tiết. Những khoảnh khắc ấy tạo cảm hứng cho hàng trăm bức vẽ về Việt Nam.
Căn nhà nhỏ của chú ở Pháp ngập những đồ vật Việt Nam, từ những chiếc chén uống trà, bát, đĩa, đũa tre, tranh thêu…. Bà Micheline, vợ chú, còn "nghiện" chè xanh Việt Nam. Năm 2002, chú mang về một bàn thờ nhỏ, bày biện trang trí như người Việt và đặt trong gara ôtô. Đây là nơi “Việt Nam” riêng tư của chú, đến nỗi những người hàng xóm phải thốt lên “Marc, il est fou avec son Vietnam” – "Marc phát điên vì Việt Nam".
10 năm trôi qua, do tuổi cao, vợ chú lại bệnh triền miên, điều kiện kinh tế khiến chú không thể thực hiện ước mơ thời trẻ, nhưng hình ảnh Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng trong lòng.
Năm 2012, liên tiếp những sự kiện xảy ra trong gia đình khiến chú rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Mọi người muốn đưa chú vào bệnh viên điều trị, nhưng chú nhất quyết không chịu. Chú nói với vợ “Chỉ có một cách tốt nhất là tôi đến Việt Nam 3 tháng”. Bác sĩ riêng khẳng định chú không thể đi, rằng chú sẽ có thể chết ở Việt Nam, chú vẫn nhất quyết đi.
Bà Micheline biết không thể ngăn được “tình yêu” ấy nên cũng đành lòng chiều theo ý chú. Marc thú nhận với tôi đây là lần duy nhất đến Việt Nam mà không tiêm vắc-xin, bởi nếu có chết ở Việt Nam cũng chẳng sao.
Gửi bài dự thi "Nước Pháp tôi yêu" của bạn |
Ngày 21/2/2013, chú như được sống với chính mình khi đến Việt Nam ngay sau Tết cổ truyền, khi hoa đào, hoa mai vẫn sáng bừng trong mỗi căn nhà Việt. Chú hào hứng nếm thử mọi món ăn, thậm chí thích thú với các quán ăn vỉa hè. Chú cố gắng sống như một người Việt Nam thực thụ: dùng đũa, ngồi khoanh chân trên chiếu...
Khi về thăm quê tôi ở Nam Định, chú tự mình xe đạp một vòng quanh thành phố để hít hà hơi thở Việt Nam. Chú ngồi hàng giờ quan sát công việc của người thợ chạm khảm ở làng gỗ La Xuyên, say sưa nhìn những đứa trẻ dắt trâu trên sườn đê. Chú trầm tư trước bàn thờ gia tiên của gia đình tôi và bày tỏ ý nguyện sẽ làm một bàn thờ như vậy cho bố mẹ ở Pháp.
Giờ phút chia tay thật bịn rịn và khó khăn. Chú bước vội vàng, ôm hôn chúng tôi mà cứ sợ nước mắt trào ra. Chú bảo tôi: “Không được nói tạm biệt mà chỉ nói sớm gặp lại”. Tất cả mọi người cùng khóc.
Mọi bệnh tật dường như tan biến hết. Chính chú cũng không tin mình có thể sống khỏe như vậy mà không dùng bất cứ một viên thuốc nào. Chú bảo: “Je suis bien vivant au Vietnam pendant 3 mois” – “Tôi đã sống thực sự khi ở Việt Nam 3 tháng”.
Chúng tôi là bạn đã 12 năm nay, từ khi tôi còn là sinh viên trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Chính chú cũng bảo cuộc gặp của chúng tôi là cái duyên trời định.
Có một điều duy tâm mà tôi không thể hiểu nổi. Đó là chú sống khỏe vì được trở về “cội” - nơi mình được sinh ra, nơi chôn rau cắt rốn. Bao ngôn từ bay đâu hết cả, nhưng tôi biết trong thâm tâm chú hiểu điều mà tôi không thể nói ra.
Nguyễn Thị Thanh Thủy