Ông Phạm Văn Khởi, xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) chủ sở hơn 23 ha đất rừng trồng gỗ keo thuộc xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My.
Năm 2014, ông Khởi thu hoạch keo lứa đầu, đường về huyện Bắc Trà My không có, ông chở keo đi qua xã Tam Trà, huyện Núi Thành trên con đường do lâm trường khai thác gỗ trước đây để lại. Lúc bấy giờ, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đã đồng ý cấp giấy cho xe chở gỗ keo của ông Khởi lưu thông.
Sau thu hoạch, ông Khởi tiếp tục trồng keo đến nay đã bốn năm. Thời gian gần đây, vợ ông bị bệnh tai biến phải điều trị ở bệnh viện, kinh tế gia đình khó khăn nên ông Khởi quyết định bán gỗ keo để có thêm thu nhập. Chính quyền xã Trà Kót cấp giấy khai thác cho ông với số lượng 600 tấn gỗ keo.
Người dân ở Quảng Nam bị bịt đường chở gỗ keo ra khỏi rừng
Ông Khởi thuê nhân công hạ cây chở bán, đồng thời đến Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh xin được tiếp tục chở keo theo con đường qua xã Tam Trà. Tuy nhiên, lần này lãnh đạo ban lý rừng từ chối. “Họ không nói rõ lý do và bảo rằng sẽ cho xe vào múc đường, tạo thành chướng ngại vật để cấm không cho xe chở keo qua con đường này”, ông Khởi cho hay.
Ngày 17/4, Ban quản lý rừng đưa xe múc vào đào một hố sâu giữa con đường qua xã Tam Trà.
“Hiện giờ tôi không thể khai thác keo vì không có đường chở gỗ ra, lối đi qua xã Tam Trà là đường độc đạo, về phía huyện Bắc Trà My không có đường”, ông Khởi buồn rầu nói.
Ông Nguyễn Xuân Phước, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng Phú Ninh giải thích, đơn vị đào con đường nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn hai xã Trà Kót (Bắc Trà My) và Tam Trà (Núi Thành).
"Đây là việc hoàn toàn đúng, chúng tôi muốn múc đường từ trước nhưng chưa có tiền để làm, giờ huyện Núi Thành cấp kinh phí nên đơn vị triển khai. Ban không bịt đường gây khó khăn với dân chở keo đi bán mà chỉ nỗ lực bảo vệ rừng phòng hộ", ông Phước thông tin và cho rằng ông Khởi chở keo đi bán nếu hợp pháp thì "muốn đi đường nào cũng được, không ai cấm".
Theo ông Phước, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đào xới nhiều vị trí khác để ngăn chặn vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch huyện Núi Thành cho biết, huyện Bắc Trà My không làm việc với huyện Núi Thành để thông báo là khai thác bao nhiêu diện tích keo, nên huyện Núi Thành cho múc đường để ngăn chặn phá rừng phòng hộ.
“Để khai thác số cây keo này thì huyện Bắc Trà My phải đề xuất với huyện Núi Thành, sau đó cùng nhau xin phép tỉnh. Nếu tỉnh đồng ý thì mới cho dân chở keo qua cung đường này”, ông Thịnh nói.