Manila nằm trong một vùng đô thị lớn, là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 12 triệu người. Đây cũng là một trong những thành phố tắc đường nặng nề nhất thế giới và năm 2015 từng được bình chọn là thành phố tệ nhất để lái xe trong cuộc khảo sát trên một ứng dụng chỉ đường.
Tuy nhiên, Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, tỏ ra không đồng tình với quan điểm này.
"Ý họ là gì khi nói đến khủng hoảng giao thông? Tôi chỉ nhìn thấy giao thông bình thường", ông Panelo nói hôm 8/10. "Tất cả chúng tôi đều đi lại được. Mọi người đến được nơi cần đến. Giải pháp ở đây là nếu các bạn muốn đến sớm thì hãy đi sớm hơn".
Nhiều người bày tỏ không đồng ý với bình luận này của phát ngôn viên chính phủ.
"Có một cuộc khủng hoảng giao thông ở Manila, nó luôn diễn ra", sinh viên, nhà hoạt động John Gemuel Maramba nói. "Các học sinh rời nhà lúc 5h sáng để kịp vào học lúc 8h. Hàng triệu người dựa vào phương tiện công cộng để đi học và đi làm nhưng phải chịu đựng sự khủng khiếp của hệ thống giao thông chậm chạp, các phương tiện công cộng quá tải và những chuyến tàu gặp trục trặc".
Tình hình giao thông ở Manila gần đây trở nên nghiêm trọng hơn do ba sự cố lớn trong hệ thống tàu, khiến các hành khách không còn lựa chọn nào ngoài đi bộ trong phần còn lại của hành trình.
Nhiều người Philippines đã lên mạng xã hội bày tỏ phẫn nộ với những phát ngôn "thiếu nhạy cảm" của ông Panelo và chỉ trích hệ thống giao thông "thất bại".
"Khủng hoảng giao thông quy mô lớn là có thật", một người bình luận trên Twitter. "Tôi không đồng tình với một số quan chức cấp cao, những người thậm chí không dùng phương tiện công cộng để đi lại".
Các nhà hoạt động và các nhóm chính trị cũng phản bác "sự thờ ơ" của ông Panelo về "những nỗi thống khổ hàng ngày" mà người đi đường phải đối mặt.
"Điều đó chỉ cho thấy ông ta, một quan chức Phủ Tổng thống, rõ ràng không hiểu gì về đời sống của những người tham gia giao thông và cuộc khủng hoảng giao thông hiện nay", liên minh các tổ chức cánh tả Philippines Bagong Alyansang Makabayan nói.
Phản đối gay gắt nhất đến từ các nhà hoạt động giao thông trên Facebook. "Ông ta không biết gì về việc đi lại như địa ngục của chúng tôi", một người bình luận.
Tổng thống Duterte cũng hứng chỉ trích sau khi chính phủ gần đây mua một máy bay quân sự cũ của Mỹ với giá gần 40 triệu USD để làm chuyên cơ. Chính phủ Philippines cho biết máy bay sẽ được chuyển giao vào năm sau và chỉ được dùng để chở các quan chức cấp cao hoặc sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, lời giải thích này không xoa dịu được sự tức giận của người Philippines.
"Giao thông Manila đang ngày càng tồi tệ còn chính quyền thì tự thưởng cho họ những bữa tiệc tùng và các phi cơ. Thật điên rồ", một người bình luận.
Trước phản ứng của người dân, ông Panelo cam kết sẽ đi phương tiện công cộng đến Phủ Tổng thống vào ngày 11/10. "Thử thách đi lại này được chấp nhận", ông nói. "Tôi sẽ bắt jeeney (một loại xe buýt) và tàu để đi làm".
Trong khi đó, làn sóng phẫn nộ vẫn tiếp diễn trên Facebook. "Mất ít nhất hai giờ cho mỗi chiều đi", một phụ nữ cho biết. Tuy nhiên, cô cũng đưa ra một giải pháp, ít nhất là cho bản thân mình.
"Tôi chỉ làm việc ở nhà. Điều này giúp tôi tránh phải đối mặt với mọi người và căng thẳng", cô nói.
Anh Ngọc (Theo BBC)