Từ ngày 12/8/2001 đến 15/9/2001, nhà du hành vũ trụ Frank Culbertson đang ở trên Trạm không gian quốc tế (ISS). Từ vị trí cách trái đất khoảng 400 km, Culbertson là người Mỹ duy nhất ở ngoài không gian vào thời điểm xảy ra vụ 11/9. Từ không trung, ông cùng với hai nhà du hành người Nga đã chứng kiến sự kiện khủng khiếp này, cũng như cuộc truy quét tại Afghanistan một tháng sau đó.
"Tôi luôn nhận ra Afghanistan vào ban đêm vì trời khá tối", ông nói và giải thích rằng những nước có mỏ dầu thường hay thắp sáng vào ban đêm. Một vài nước thậm chí còn sáng rực lên. "Một đêm, tôi nhìn xuống Afghanistan và thấy những vụ nổ lớn, sáng. Tôi đã chứng kiến cuộc chiến ở Afghanistan nhằm truy lùng Osama bin Laden và Taliban", ông kể.
Thành phố New York nhìn từ ISS. Ảnh: NASA |
Theo chuyên trang về vụ 11/9 của Yahoo News, Culbertson tốt nghiệp Học viện hải quân Mỹ và là cựu phi công thử nghiệm, Culbertson có thể xác định được những gì ông nhìn thấy như các vụ nổ từ tên lửa hành trình và bom từ máy bay B-52.
Một tháng trước đó, vào sáng ngày 11/9, Culbertson, đã trải qua 30 ngày trên không trung, được giao chỉ huy một cuộc kiểm tra y tế định kỳ. "Tôi đã hỏi bác sĩ về những gì xảy ra. Ông ấy trả lời rằng đã có một ngày không được tốt đẹp cho lắm ở trên trái đất", Culbertson nói.
Giữa những hỗn loạn trên trái đất, cơ quan chỉ huy đã thông báo cho Culbertson về những những thông tin ít ỏi mà họ có: hai chiếc máy bay đã lao vào các tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và một chiếc nữa tấn công Lầu Năm góc, cả ba cuộc tấn công có chủ ý đều do bọn khủng bố gây ra.
Khi nghe tin từ trung tâm chỉ huy, ông liền quan sát hình ảnh bản đồ thế giới đang nhấp nháy trên màn hình máy tính trước mặt. Chỉ trong vài phút nữa, ông sẽ đi qua New York. Ông nhanh chóng rời radio, cầm một máy quay video và lao đến cửa sổ cabin để có thể quan sát thành phố được rõ nhất.
"Thời tiết hôm đó rất đẹp và tôi có thể nhìn xuống thấy cả vùng đông bắc Mỹ rất rõ ràng. Tôi nhìn thấy một cột khói lớn màu đen đang bốc lên từ thành phố New York, qua Long Island và ra phía Đại Tây Dương. Tôi chỉnh máy quay gần hơn và nhìn thấy một cột khói màu xám lớn bao phủ nửa phía nam của thành phố". Hai ngày sau, ông mới biết mình đang chứng kiến cảnh sụp đổ của tháp phía nam WTC.
Vì ISS di chuyển với tốc độ khoảng 5 dặm/giây nên việc quan sát New York diễn ra rất nhanh chóng. Trái đất quay nên Culbertson và các đồng nghiệp tiếp tục đi qua nước Mỹ, nhìn thấy miền trung và tây nam. Đó là nơi rất quan trọng với ông. Là ông bố của 5 đứa con, Culbertson muốn chắc chắn rằng gia đình mình ở ngoài vòng nguy hiểm. Khi ISS đi qua tây trung và vùng giữa Đại Tây Dương, Culbertson và phi hành đoàn đã chuẩn bị máy quay và ống nhòm sẵn sàng.
"Chúng tôi bay trực tiếp qua Washington và có thể nhìn thẳng xuống Lầu Năm góc sau khi bị tấn công thấy khói và đèn xe cứu hộ. Chúng tôi có thể nói đó là một sự kiện rất khủng khiếp", ông kể. Buổi sáng hôm sau, Culbertson hay tin một người bạn của ông ở Học viện hải quân, đồng thời là cơ trưởng chuyến bay số 77 của American Airlines, Charles Burlingame, đã thiệt mạng khi máy bay lao vào tòa nhà này.
"Nước mắt không thể chảy trong không gian", Culbertson viết trong một lá thư gửi đến mọi người ngày 12/9. "Thật khó để miêu tả cảm xúc khi là người Mỹ duy nhất ở ngoài trái đất vào thời điểm đó. Ý nghĩ đáng lẽ mình nên ở đó cùng mọi người, đối mặt với chuyện này và giúp đỡ bằng cách nào đó, cứ xâm chiếm cả tâm trí tôi".
Frank Culbertson thổi kèn trumpet, tưởng niệm người bạn thân Charles Burlingame ngày 16/9/2011 trên ISS. Ảnh: Yahoo |
Cuộc họp lớp 30 năm đã được Culbertson và người bạn xấu số Burligame lên lịch tổ chức vào cuối tháng 9 và Culbertson dự định gửi một thông điệp bằng video xuống cho lớp mình với lời chào thân ái và thông tin về chuyến đi của ông trong không gian. Thay vào đó, ông đành thổi một vài bản nhạc bằng kèn trumpet để tưởng niệm Burlingame, người từng chơi với ông trong đội kèn trống của hải quân.
Dù chìm trong nỗi buồn những ngày sau đó, Culbertson vẫn nhớ về sự quan tâm mà mọi người từ các nước khác nhau dành cho ông. Hai đồng nghiệp người Nga đã không chỉ chia sẻ nỗi buồn và sự căm phẫn với ông, nấu bữa tối yêu thích cho anh, mà còn cho ông thời gian riêng để suy nghĩ. Trong những tuần tiếp theo, Culbertson tiếp tục nhận được sự chia sẻ từ khắp thế giới qua ISS, nói chuyện với trạm chỉ huy của Nga, các vị thủ tướng và thành viên hoàng gia.
Bây giờ, Mỹ đã kết thúc chương trình tàu con thoi, Culbertson đã 62 tuổi và nghỉ hưu ở NASA từ năm 2002. Ông tiếp tục tham gia trong lĩnh vực tư nhân với mong muốn kế tục các chuyến bay có người lái. Ông hiện làm việc với vai trò phó giám đốc cấp cao của công ty Orbital Sicences, chịu trách nhiệm về các chuyến bay không gian có người lái.
Sau khi chứng kiến sự thiện chí và hợp tác ở nhiều cấp độ khác nhau suốt thời gian làm việc cùng ISS, Culbertson tin rằng dự án về các chuyến bay vào không gian có người lái có ý nghĩa quan trọng với ngoại giao quốc tế vì chúng cho phép các quốc gia làm việc cùng nhau để hướng đến một mục tiêu lớn hơn.
Anh Ngọc