Không nên dùng nhân sâm một cách tùy tiện. Ảnh: Photobucket. |
Do quá nhiều công việc, chuyện ăn uống nhà bà Loan mấy hôm vừa rồi cứ bữa đực bữa cái. Vì vậy, bà đã mua sẵn một gói sâm, thỉnh thoảng đưa cho con cháu, và bản thân mình cũng ngậm. Đến sát hôm cưới, bà thấy rất chóng mặt, đau đầu, mắt hơi mờ, nghe có tiếng o o trong tai.
Đo huyết áp, bà Loan thấy con số tăng vọt. Tư vấn bác sĩ, bà được giải thích là tình trạng căng thẳng do việc nhà cộng với dùng nhân sâm đã khiến huyết áp tăng cao.
Theo bác sĩ Tạ Văn Sang, Trung tâm y dược Tinh hoa (Nguyễn Như Đổ, Hà Nội), nhân sâm được khuyến cáo không dùng cho những người vốn có bệnh huyết áp cao như bà Loan, bởi có thể làm cơn tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn, rất nguy hiểm.
Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng nhân sâm trong những trường hợp sau:
Đau bụng: Sách thuốc Đông y có câu "Phúc thống phục nhân sâm tắc tử" tức là đau bụng mà uống nhân sâm thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khó ngủ: Nhân sâm có thể hưng phấn khiến bạn càng khó ngủ thêm, vì vậy bạn không nên dùng nó vào buổi tối.
Người khỏe mạnh: Nếu dùng nhiều sẽ lãng phí và có thể gây mất cân bằng cho cơ thể.
Nhân sâm rất tốt khi sử dụng cho những người mệt mỏi, suy nhược, nhất là những người gầy yếu, cơ địa nội nhiệt (nóng trong), hay bị mụn nhọt, trứng cá, rôm sảy, mẩn ngứa. Người có thai mệt mỏi, suy nhược vẫn có thể sử dụng, nhưng trong 3 tháng đầu thì phải thật cần thiết mới dùng vì đây là giai đoạn hình thành thai nhi, nhân sâm có thể ảnh hưởng không tốt cho em bé.
Chỉ nên dùng 2-4 g nhân sâm mỗi ngày, và cũng không nên dùng thường xuyên vì nó dễ làm cho cơ thể phụ thuộc vào dược liệu. Chỉ nên coi nhân sâm là một trong các biện pháp để tăng cường sức khỏe, bên cạnh các biện pháp khác như ăn uống hợp lý, tập luyện thường xuyên.
Việc dùng quá nhiều nhân sâm có thể gây ngộ độc vì vị thuốc này vẫn có độc tính. Các thực nghiệm cho thấy, nếu chuột nhắt uống bột nhân sâm với liều 5 g/kg cân nặng thì 50% số chuột sẽ bị chết.
Hải Hà