Ông Phạm Văn Học, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết bệnh nhân mất nhiều máu, ho ra máu, được người dân sơ cứu tại chỗ sau đó đưa đến bệnh viện cấp cứu, đêm 17/1. Khi nhập viện, người bệnh khó thở, nhịp thở nhanh, vết máu khô ở mũi. Thành ngực trái bệnh nhân có một vết thương kích thước khoảng 3 cm, rỉ máu.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy phổi trái đông đặc, kính mờ phổi hai bên, chảy máu phổi, gãy cung trước xương sườn trái, tràn dịch màng phổi trái. Mảnh đạn từ thành trước ngực xuyên qua phổi và vẫn nằm trong cơ thể người bệnh.
Kíp bác sĩ nhận định đây là trường hợp chấn thương ngực kín do hỏa khí phức tạp. Trong ca mổ dẫn lưu màng phổi, bệnh nhân diễn biến xấu đi, mất máu nhiều, máu từ vết thương phun thành tia trong lồng ngực, huyết áp tụt, không đo được, suy hô hấp, ngừng tim.
"Để cấp cứu ngừng tuần hoàn chỉ có một cách duy nhất là ép tim ngoài lồng ngực, tuy nhiên bệnh nhân này, vết thương và vết mổ nằm ngay chính trên vùng có thể ép tim", ông Học cho biết. "Đây là tình huống vô cùng khó khăn, bệnh nhân cần truyền rất nhiều máu trong quá trình ép tim".
Các bác sĩ cùng lúc cố gắng ép tim bệnh nhân, tái tạo tuần hoàn, vừa truyền máu, kẹp cầm máu, băng ép cố định lồng ngực. Kíp bác sĩ vừa mổ vừa xét nghiệm, hiến và truyền máu cho người bệnh. Sau hơn một giờ cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại. Tổng cộng người bệnh truyền cấp cứu 8 đơn vị hồng cầu và 2 đơn vị máu toàn phần.
Sau đó, một kíp gồm bác sĩ ngoại khoa, Hồi sức tích cực và hai nhân viên trung tâm cấp cứu 115 vừa truyền máu, vừa hồi sức phối hợp đưa bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức. Đến sáng nay, bệnh nhân tiếp tục được truyền thêm 4 lít máu, qua cơn nguy kịch.
Ông Học cho biết đây là ca cực kỳ phức tạp, bệnh nhân được cứu từ trạng thái thập tử nhất sinh trở về là thành quả của tập thể y bác sĩ bệnh viện.