Bộ Tài chính vừa yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 đã bố trí cho các dự án, nhằm cắt giảm nguồn huy động vốn đầu tư từ ngân sách cho phù hợp với khả năng cân đối vốn của địa phương.
Theo đó, địa phương buộc phải đình hoãn, ngừng triển khai, giãn tiến độ các công trình đầu tư kém hiệu quả hoặc dở dang; tập trung vốn cho công trình sắp hoàn thành hoặc những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Công trình, dự án trong kế hoạch năm 2008 đã được HĐND cấp tỉnh bố trí từ nguồn vốn huy động theo Luật Ngân sách nhưng chưa huy động vốn, chưa triển khai do chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng; cũng phải tạm dừng và không được phép huy động vốn
Không chỉ có công trình sử dụng vốn ngân sách ngưng, giãn tiến độ, công trình tư nhân cũng thi công chậm trước cơn bão lạm phát. |
Đầu tháng 6, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đã đề xuất Chính phủ cho chuyển vốn từ các dự án chưa có quyết định đầu tư sang những dự án cấp bách khác. Đối với dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2003 hoặc chưa có thiết kế kỹ thuật, chỉ bố trí vốn để làm công tác chuẩn bị.
Riêng các dự án ODA và dự án quan trọng, cấp bách, Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị Chính phủ cấp đủ vốn để nhanh chóng hoàn thành những công trình này và đưa vào sử dụng ngay trong năm nay.
Theo Bộ Kế hoạch đầu tư, tính đến ngày 29/5, tổng số dự án đình hoãn và ngừng triển khai thực hiện là 475, với tổng số vốn kế hoạch là 1.628 tỷ đồng. 241 dự án phải giãn tiến độ, tổng vốn 2.370 tỷ đồng.
Cuối tháng 5, Hà Nội đã giãn tiến độ 29 dự án, cắt giảm hơn 518 tỷ đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ đô cũng giảm chi tiêu hơn 167 tỷ đồng bao gồm 10% chi thường xuyên (gần 88 tỷ đồng), tạm dừng hoặc cắt các khoản mua sắm tài sản, sửa chữa trụ sở...
Cùng thời điểm này, Bộ Quốc phòng đã hoãn 17 dự án, giãn tiến độ của 19 dự án sang năm 2009 và giải thể 3 doanh nghiệp. Đối với kế hoạch đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng cắt giảm mức vốn theo kế hoạch năm 2008 là 675 tỷ đồng.
Vũ Lê