Thông tin trên được đưa ra trong thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), tình hình đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và cơ chế đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân.
Theo đó, ngư dân sẽ được sử dụng chính tàu vừa đóng để thế chấp vay vốn ngân hàng với lãi suất tối đa 3% một năm, chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên thị trường hiện nay (7-11% một năm). Nhà nước cũng hỗ trợ 70% phí bảo hiểm cho các chủ phương tiện.
Những tàu vỏ sắt đóng cho ngư dân phải đảm bảo an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế, hợp với nhu cầu và thị hiếu. Khi thực hiện cơ chế thí điểm đóng tàu vỏ sắt, các cơ quan liên quan cũng phải lấy ý kiến của ngư dân và chủ tàu để giám sát và đưa vào khai thác ngay sau khi hoàn thành.
Với tàu kiểm ngư, SBIC sẽ nghiên cứu xem xét bổ sung thiết kế, trang thiết bị cho các dự án đóng mới, kể cả 2 tàu kiểm ngư cỡ lớn, các tàu kiểm ngư cỡ nhỏ đang hoàn thiện và các tàu đang hoạt động.
Việc trang bị tàu sắt cho ngư dân trên biển được đặc biệt chú trọng sau vụ tàu Trung Quốc đâm vào 3 tàu Việt Nam làm hư hỏng nặng, do đội tàu của ngư dân chủ yếu là tàu gỗ, mong manh hơn so với tàu sắt của Trung Quốc.
Tại một hội nghị về ngành nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho biết sẽ tính toán phương án để hỗ trợ ngư dân trên biển. Và theo dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản cũng, các chủ tàu khai thác hải sản xa bờ muốn đóng mới vỏ thép được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư trong thời hạn 10 năm, ân hạn một năm không tính lãi suất.
Trong cuộc họp, ngoài những ý kiến bổ sung năng lực cho đội tàu Việt Nam, Thủ tướng đã nhận xét về tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Mặc dù những yếu kém trong năng lực quản trị khiến tình hình kinh doanh của công ty liên tục thua lỗ, nợ nần thời gian qua, song người đứng đầu Chính phủ khẳng định "không vì lý do đó mà từ bỏ ngành công nghiệp đóng tàu".
Do vậy, thời gian tới Thủ tướng yêu cầu SBIC tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, tập trung giải quyết khó khăn, tăng cường giao dịch để ký kết hợp đồng đóng tàu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa công ty mẹ và các doanh nghiệp được giữ lại sau tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp tốt, hiệu quả, thúc đẩy thực hiện các dự án đã có chủ trương, kế hoạch.
Huyền Thư