Bệnh nhi nhanh chóng được rửa dạ dày để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể và uống than hoạt tính để ngăn các chất độc vào máu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, kết quả xét nghiệm cho biết, cháu bé bị toan chuyển hóa nặng do tình trạng ngạt tế bào. Các bác sĩ đã hỗ trợ hô hấp, cho uống than hoạt tính và truyền tĩnh mạch thiosulfate để giải độc.
Sau 48h điều trị, tình trạng suy hô hấp đã cải thiện dần. Hiện nay tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định.
Khoai mì (sắn) có hai loại. Khoai mì thường, có vị ngọt, chứa độc tố ở vỏ. Ngộ độc thường do chế biến không đúng cách. Khoai mì cao sản làm nguyên liệu cho công nghiệp chứa nhiều độc tố, có vị hơi đắng. Độc tố có ở cả củ mì, nên rất dễ gây ngộ độc nếu ăn phải. Độc tố khoai mì là Glucoside: 93-96% là Linamarozit, 4-7% là Lotostralorit. Trong khoai mì thường hàm lượng Glucoside vào khoảng 20-30 mg/kg, và trong khoai mì cao sản là 60-150 mg/kg. Khi bị thủy phân ở dạ dày các Glucoside này sẽ cho acid cyanhydric, gây ức chế hô hấp, ngạt tế bào gây khó thở, thở nhanh sâu, co giật, hôn mê, trụy mạch. Để loại bỏ độc tố khỏi khoai mì, nên thực hiện những bước sau: Lột sạch lớp vỏ hồng của khoai mì. Ngâm trong nước sạch vài giờ, nhớ thường xuyên thay nước. Khi nấu phải mở nắp nồi để chất độc bay ra ngoài. (Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1) |
Thiên Chương