Ông Hải cho hay hiện chưa có văn bản nào quy định về việc phát tán thư rác, tin tức quảng cáo qua tin nhắn di động, do vậy, việc Công ty Monava và Ngân hàng SeABank "khủng bố" khách hàng bằng tin nhắn khuyến mãi nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật.
Theo ông, Nghị định số 56 về quảng cáo ban hành năm 2006 đã đưa ra 3 hành vi xử phạt vi phạm về quảng cáo lên mạng thông tin máy tính và quảng cáo trên Internet. Các quy định này không áp dụng được đối với trường hợp quảng cáo thông qua tin nhắn di động của Công ty TNHH Phát triển công nghệ Monava và Ngân hàng SeABank.
Cuối năm 2007, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Dự thảo Nghị định về chống thư rác và chuẩn bị trình Chính phủ. Trong đó quy định các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn không được phép gửi quá 5 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ. Các tin nhắn này chỉ được gửi đi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
Mức phạt đối với hành vi gửi thư rác quá số lượng quy định từ 1 triệu đồng tới 100 triệu đồng.
"Như vậy khi Nghị định có hiệu lực thì việc gửi tin nhắn cho khách hàng với số lượng từ 20-50 tin nhắn một ngày như cách của SeABank là vi phạm, trừ khi có thỏa thuận khác với khách hàng", ông Hải nói.
Theo ông, các doanh nghiệp di động cần rà soát lại hợp đồng đã ký với các công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, nếu việc nhắn tin quảng cáo vi phạm thỏa thuận giữa hai bên thì cần chấm dứt hợp đồng ngay. "Trong lúc chờ đợi Luật có hiệu lực, các doanh nghiệp không có cách nào khác là phải tự bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình", ông Hải nói.
Hồng Anh