Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm "phi mã" 394,64 điểm, tương đương 3,13%, đóng cửa tại 12.208,81 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng mất điểm mạnh 2,96%, chốt tại 2.474,56 điểm. Không chịu "kém cạnh", chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) cũng sụt tới 3,09% đóng cửa tại 1.360,68 điểm.
Mức giảm của chỉ số Dow Jones và S&P 500 là mức giảm mạnh nhất cả về điểm lẫn phần trăm kể từ tháng 2/2007, với chỉ số Dow Jones, và trong 4 tháng gần đây, với S&P 500.
Sau 1 tuần giao dịch chỉ số Dow Jones giảm 3,4%. Chỉ số S&P 500 thấp hơn 2,83% so với tuần trước đó. Chỉ số tổng hợp Nasdaq có mức giảm tuần là 1,91%.
Trước phiên giao dịch hôm qua, phần đông giới đầu tư Mỹ đều chờ đợi một phiên giao dịch thành công. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng lên kỷ lục hơn 11 đôla một thùng. Bên cạnh đó, trái với con số dự báo trước đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng năm không tốt như dự đoán đã góp phần làm phố Wall càng ảm đạm hơn.
Mong manh trước xu hướng đi xuống (Bearish Market: thị trường Gấu), nhà đầu tư tại phố Wall đầu tư vào trái phiếu để để tránh rủi ro. Ảnh:socalbubble.com. |
Giá trái phiếu lại tăng mạnh khi các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi thị trường chứng khoán để tìm kiếm sự an toàn từ trái phiếu chính phủ.
Dù tuần qua, số người thất nghiệp có giảm so với tuần trước đó, nhưng tính trong tháng năm tỷ lệ này là 5,5% cao hơn 0,5% so với tháng tư. Đây là tốc độ tăng số người thất nghiệp trong một tháng cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Đây lại là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái sau khi nhiều người cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra.
Ông Bill Stone, nhà chiến lược đầu tư tại PNC Wealth Management, cho rằng chỉ riêng thông tin về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 đã ảnh hưởng xấu đến thị trường Mỹ nhưng giá dầu tăng vọt còn có tác động tồi tệ hơn tới phố Wall.
Ông Stone nhận định chứng khoán giảm, dầu tăng, động đôla suy yếu, và trái phiếu hồi phục là bức tranh của chứng khoán Mỹ trong ngày cuối tuần.
Chỉ trong hai ngày, giá dầu đã tăng hơn 16 đôla và chốt ở mức 138,54 đôla một thùng vào thứ sáu 6/6. Sự tăng của giá dầu là hệ quả của việc đồng đôla suy yếu cùng với dự đoán của Morgan Stanley rằng giá dầu có thể lên mức 150 đôla vào 4/7.
Giá dầu tăng vọt còn làm tăng nỗi lo về sự gia tăng giá cả sinh hoạt, vốn đã nhích lên do giá xăng trung bình tại Mỹ đang ở mức kỷ lục 4 đôla một thùng.
Nhìn lại một tuần, chứng khoán Mỹ liên tục đón nhận những tin không vui đến tư nhóm ngành tài chính như việc Ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ Wachovia sa thải tổng giám đốc hay việc các tổ chức tài chính lớn như Merrill Lynch, Lehman Brothers, và Morgan Stanley bị hạ mức điểm đánh giá tín dung. Tập đoàn tài chính Lehman Brother thậm chí còn phải thông báo tăng vốn thêm khoảng 4 tỷ đôla do gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng tín dụng.
Những dấu hiệu xấu tư khu vực tài chính lại làm dấy lên mối lo ngại về việc khủng hoảng tín dụng có thể lại tiếp diễn cùng với nguy cơ lạm phát, gia tăng tình trạng thất nghiệp và cuối cùng là suy thoái kinh tế. Tuần qua chứng kiến sự đi xuống của giá dầu trong ba ngày đầu tuần, tuy nhiên chỉ trong hai ngày cuối tuần giá dầu đã vọt lên mức kỷ lục mới khiến thị trường chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng khá nặng nề.
Ngoại trừ thị trường Trung Quốc, các thị trường lớn tại châu Á đều đi lên. Chỉ số Nikkei 225, luôn được hưởng lợi từ sự đi xuống của đồng đô la do các tập đoàn xuất khẩu lớn như Honda, Canon sẽ tăng điểm. Ngày 6/6, chỉ số này tăng thêm 1,03%. Mức tăng tuần của chứng khoán Nhật là 1,05%, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp cua chứng khoán xứ sở mặt trời mọc. Chỉ số Nikkei 225 cũng đạt mức cao nhất trong năm tháng qua. Bên cạnh đó, giá dầu tăng kích thích cổ phiếu năng lượng và nhà đất đi lên.
Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong cộng thêm 0,61%. Với việc giá dầu tăng, hưởng lợi nhiều nhất đương nhiên là các tâp đoàn sản xuất dầu như PetroChina, hay CNOOC, hay tập đoàn lọc dầu Sinopec Corp. Tuy nhiên, sau một tuần, chỉ số Hang Seng vẫn giảm 0,53%.
Diễn biến có phần ảm đạm hơn trên thị trường Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Shang Hai giảm 0,66%. Chỉ số này thấp hơn tuần trước 3,7%.
Thị chứng khoán cựu lục địa cũng "ăn không ngon ngủ không yên" trước những thông tin đến từ Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,48% trong ngày cuối tuần do sư đi xuống của cổ phiếu ngân hàng cùng nỗi lo về suy thoái tại Mỹ. Trong tuần qua, chỉ số này đánh mất hơn 2%. Trong cùng ngày chỉ số DAX của Đức giảm 1,99% cũng vì tình hình kinh tế Mỹ. "Theo chân" hai thị trường Đức và Anh, chỉ số CAC 40 của Pháp lùi 2,28% trong ngày cuối tuần.
Xuân Hòa (Theo CNN & Reuters)