![]() |
Ảnh: CNet. |
Đằng sau những hệ thống TV với màn hình phẳng lấp lánh, hứa hẹn trở thành trung tâm giải trí gia đình đang được trưng bày tại triển lãm điện tử tiêu dùng IFA diễn ra từ 31/8 đến 5/9 ở Berlin (Đức), là một thực tế rằng ngành công nghiệp này đang phải đương đầu với cuộc đua hạ giá đầy tuyệt vọng.
Giá LCD và plasma đã giảm 1/3 trong năm nay. Các hãng sản xuất đang đầu tư tiền tỷ cho những hệ thống TV độ phân giải cao nhưng người tiêu dùng lại không muốn bỏ hàng nghìn USD để mua chúng.
"Tôi ngưỡng mộ HDTV hay điện thoại tích hợp phần mềm nghe nhạc MP3. Nhưng tôi chỉ ngắm chúng thôi chứ chưa định mua bây giờ", Silvana Kinst, nhân viên một khách sạn ở Berlin, cho hay.
HDTV sẽ chỉ trở nên phổ biến vào khoảng 2010 - 2011 khi giá của chúng chỉ còn một nửa so với hiện nay. "Số tiền cao nhất tôi muốn trả cho một chiếc TV sẽ chỉ là 1.300 USD", Kinst khẳng định.
Fujio Nishida, Giám đốc Sony tại châu Âu, cho rằng điều đó cũng tốt vì họ sẽ có thời gian cải tiến máy ảnh hay máy quay HD. Trong khi đó, giới chuyên môn lại chỉ trích ngành công nghiệp trị giá hơn 100 tỷ USD này không chịu cố gắng hết mình để thúc đẩy công nghệ HD mà chỉ biết "ghen tị" trước thành công liên tục của các lĩnh vực điện tử tiêu dùng khác như đầu máy chơi game hay điện thoại di động.
Không chỉ HDTV, IPTV và mobile TV vẫn chưa thể tiến xa. "Truyền hình Internet đã sẵn sàng cho một chỗ đứng trên thị trường", Giám đốc điều hành Rene Obermann thuộc công ty viễn thông Deutsche Telekom (Đức) tuyên bố. Thế nhưng, thị trường lại chưa sẵn sàng đón nhận IPTV do sự thiếu rõ ràng trong chuyện lợi nhuận sẽ được chia sẻ thế nào giữa nhà cung cấp nội dung và nhà điều hành dịch vụ.
Tương tự, truyền hình di động đang đứng giữa ngã ba đường do sự bất đồng quan điểm về việc lựa chọn các chuẩn công nghệ, trong đó có DMB (phổ biến ở Hàn Quốc) và DVB-H do Nokia hậu thuẫn. Ngoài ra, người ta còn chứng kiến cuộc đại chiến giữa hai định dạng DVD thế hệ mới là Blu-ray và HD DVD.
Những tranh cãi trên làm cho người sử dụng mất thời gian chờ đợi đến ngày họ biết chính xác mình nên bỏ tiền ra mua thiết bị nào, còn các nhà sản xuất cũng không dám mạo hiểm tập trung ủng hộ cho một công nghệ mà họ còn chưa biết tương lai ra sao.
T.N. (theo Reuters)