Tôi đi làm từ khu vực gần ngã tư Bình Phước (giáp ranh tỉnh Bình Dương) đến công ty cách ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh, TP HCM) khoảng 800 m. Ngày nào tôi cũng di chuyển bằng xe gắn máy, đi qua đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh (nơi báo chí đăng bài về nạn kẹt xe nhiều kỳ) mà thấy ngao ngán, ước gì mình sử dụng xe buýt để đến công ty thì thuận tiện và cũng đỡ nắng mưa biết mấy. Nhưng có điều việc đi xe buýt hiện giờ cũng rất bất tiện với tôi:
Thứ nhất, nhà tôi cách ngã tư Bình Phước khoảng gần 1 km, có hai lựa chọn để đến trạm xe buýt gần nhất: đi bộ hoặc đi xe (xe đạp, xe máy). Có điều, nếu tôi đi bộ thì không có vỉa hè do đã bị chiếm dụng kinh doanh; còn đi xe đạp hoặc xe máy đến trạm thì tôi không biết gửi ở đâu? Thêm một phương án khác là đi xe công nghệ thì cũng rất bất tiện vì thời gian chờ đợi lâu và chi phí tốn kém nhiều hơn.
Thứ hai, khi đến trạm dừng xe buýt ở khu vực Hàng Xanh, tôi có thể đi bộ đến công ty, nhưng hiện giờ vỉa hè khu vực này cũng như nhiều nơi khác đã bị chiếm dụng để kinh doanh, nên việc đi bộ cũng không an toàn cho bản thân tôi. Nhìn dòng xe máy từ Bình Dương vào TP HCM (Quốc lộ 13) để đi làm mỗi ngày, thú thực tôi có cảm giác không mấy vui vẻ. Chúng ta đang xây dựng thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp, hiện đại, mà đến bây giờ chẳng lẽ vẫn không có giải pháp nào cho người dân vùng ven ngoài việc tăng diện tích mặt đường giao thông hay sao?
Từ chính câu chuyện của bản thân mình, tôi thấy rằng, nếu ngã tư Bình Phước có nơi gửi xe, chắc chắn tôi sẽ đi xe buýt để đi làm mỗi ngày. Tính về bài toán kinh tế, chi phí đi xe buýt cũng tương đương đi xe gắn máy: mỗi ngày tôi gửi xe mất 3.000 đồng và vé xe buýt 7.000 đồng, tổng cộng 10.000 đồng, trong khi tiền xăng đi xe máy cũng khoảng 50.000 đồng cho năm ngày trong tuần, chưa kể những chi phí tiềm ẩn khác khi đi xe máy trên quãng đường dài. Nếu thuận tiện hơn nữa, khi các trạm xe buýt có kết hợp cho thuê xe đạp để lưu thông một đoạn ngắn, tôi tin việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
>> 'Sáu năm chuyển từ xe máy chạy xăng sang xe điện chỉ tốn 1,7 triệu đồng'
Tuy nhiên, để người dân tự giác từ bỏ xe máy, chuyển sang xe buýt vẫn là cả một quá trình. Cho nên, việc quản lý, điều hành giao thông chung cũng không thể bỏ qua những nhiệm vụ như: hạn chế phương tiện cá nhân trong các khu vực trung tâm, cấm xe theo ngày chẵn, lẻ... Bên cạnh đó việc tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh, các tổ chức Công đoàn cơ sở, Đoàn thanh niên phải tham gia vào công tác thi đua để góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại (chẳng hạn như hỗ trợ một phần vé xe buýt, hoặc xem đây là tiêu chí đánh giá xếp loại người lao động...).
Việc giảm lượng xe máy trong giao thông cũng góp phần quan trọng hình thành thói quen mua đồ ăn sáng tại các xe đẩy, quầy kệ hàng rong hiện nay bán dọc lề đường. Hiện nay, tôi thấy rất nhiều người đi xe gắn máy cứ tiện thể tấp vào lề để mua hàng bất kỳ ở vị trí nào, gây ách tắc giao thông, góp phần làm vỉa hè bị lấn chiếm. Khi lượng mua giảm thì tự khắc những người buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè sẽ tự tìm cách chuyển đổi nghề.
Xin nói thêm rằng, chính bản thân tôi và vợ cách đây hơn 25 năm cũng có thời gian buôn bán trên vỉa hè, lòng đường và cũng từng bị cơ quan phường tịch thu bàn ghế, dù che. Sau đó, chúng tôi bắt buộc phải tìm phương kế khác để sinh nhai và giờ mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. Hy vọng mọi người cùng chung tay, góp sức để thành phố ngày một phát triển văn minh hơn.
- 'Cất xe máy, đi bộ 2 km mỗi ngày từ khi có metro'
- Tôi lái ôtô bất lực vì đám đông chen ngang
- Cần phạt nguội 164 xe máy vượt đèn đỏ trong hai phút ở Hà Nội
- Nỗi khổ của những người Hà Nội dựng barie cấm xe máy vào ngõ
- 'Sai lầm khi xén vỉa hè mở đường cho xe máy, ôtô ở Hà Nội'
- Ôtô, xe máy quyết liệt giành đường tại ngã năm Hà Nội