
Ông Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Thanh Sơn
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên Phó ban Kinh tế trung ương Đảng: Những người có trách nhiệm chưa lắng nghe. Đây là dự án mang nhiều tai tiếng và thất thoát hoàn toàn thuộc lỗi của chúng ta. Chính phủ đưa một vấn đề lớn ra nhưng lại không có kinh nghiệm, thiếu chuyên gia lại làm rất nhanh, triển khai diện rộng nên thất bại là tất yếu. Ngân sách chi tiêu 112 đúng là chùm khế ngọt, không có đề án nào mà sai phạm thất thoát vài trăm tỷ đồng như thế. Vấn đề ở đây không chỉ nằm ờ chuyện mất tiền mà còn thể hiện năng lực, trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước.Vụ việc này không chỉ có Ban điều hành chịu trách nhiệm mà sẽ được kết luận với những người có liên quan. Đề án 112 đã nhận được nhiều cảnh báo nhưng gần đây mới có quyết định tạm dừng, theo tôi, vấn đề có thể là việc tiếp nhận, lắng nghe của những người có trách nhiệm chưa được nghiêm túc.
Đề án 112 sẽ là bài học để Chính phủ phải xây dựng cơ chế chặt chẽ, thay đổi cách điều hành với các dự án. Theo tôi có 4 bài học được rút ra. Thứ nhất là việc chọn đề án. Thứ hai là duyệt yếu tố kỹ thuật. Thứ ba là chọn người thực hiện. Thứ tư là kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Trong đề án 112 giai đoạn 2001-2005 tôi cho rằng, việc lựa chọn người làm đề án 112 chưa đúng. Hiện nay, Chính phủ đã giao đề án 112 cho Bộ Thông tin Truyền thông, có chuyên môn, là phù hợp.

Ông Lê Quốc Dung. Ảnh: Tuổi Trẻ
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung: 'Đề án 112... giống như PMU 18': Nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm trong những sai phạm của đề án 112, trước hết là Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính. Đặc biệt, những định mức kinh tế kỹ thuật của lĩnh vực này rất mới nhưng Bộ Tài chính chưa chú trọng, ví dụ định mức tập huấn, huấn luyện về công nghệ thông tin. Theo tôi biết, dự án này đi xuống các tỉnh làm rất hời hợt và hình thức nhưng vẫn cho thanh toán 2 triệu đồng một suất đào tạo.Đề án 112 này thành lập Ban quản lý không đúng, giống như dự án của PMU18, vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa quản lý nhà nước vừa thực thi nên hiệu quả thấp. Phần mềm không thể nối kết được các bộ ngành, việc đào tạo, lắp thiết bị cũng có rất nhiều vấn đề. Hiện nay các cơ quan chức năng đang làm việc nên cũng chưa rõ tham ô, tham nhũng bao nhiêu nhưng điều chắc chắn là dự án này hiệu quả rất thấp.
Tôi rất đồng tình với Thủ tướng cho dừng lại dự án này, trên cơ sở đó xây dựng một chương trình đồng bộ, có hệ thống hợp lý, có cơ quan chủ quản, có chức năng kỹ thuật mới đúng đắn. Vừa qua, đề án được giao cho những người không có chuyên môn, đó là sai lầm.

Ông Nguyễn Đình Xuân. Ảnh: V.A
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Một số dự án chi tiền như 'hái lộc'. Số tiền sai phạm, thất thoát trong đề án 112 quá lớn, 200 tỷ đồng, bằng thu ngân sách của một tỉnh trong một năm. Chúng ta đã mất đi một số tiền tương đương như vậy để có một đề án rất bình thường. Không phải riêng 112 mà khá nhiều dự án chúng ta chi tiền khá thoải mái.Tôi nhớ trong đề án 112 này, các cán bộ trình độ khác nhau cứ nhồi hết vào một lớp và nhà nước chi tiến hết. Vấn đề tại sao không để người ta tự đi học tự trả tiền phù hợp với trình độ. Không thể nào một giáo viên lại có thể truyền đạt một lúc nhiều kiến thức cho nhiều người có trình độ khác nhau như vây. Do vậy, cái lãng phí ở đây không phải là ở thất thoát chi tiêu mà còn ở hiệu quả đào tạo.
Kỳ họp này Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội về đề án 112, khi đó, chúng ta sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta không thể theo kiều "đau đâu bôi thuốc vào chỗ ấy", như thế sẽ không trị được bệnh. Phải xem cơ chế như thế nào và có biện pháp giải quyết được tận gốc căn bệnh của chúng ta.

Ông Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: V.A.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nguyễn Minh Thuyết: Bộ Tài chính, Bộ KHĐT cũng phải chịu trách nhiệm. Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường khóa 11 và tôi là uỷ viên đã giám sát, kết luận về đề án 112 trong đó có nêu rõ dự án này chuyên mua sắm, in ấn tài liệu, bồi dưỡng cán bộ nhưng mục tiêu phục vụ cải cách hành chính không đạt được. Việc mua một số lượng cơ sở vật chất quá nhiều rõ ràng lãng phí trong khi có nhiều việc khác cần phải đầu tư.Trong quá trình thực hiện dự án, Ban điều hành, cụ thể những người có trách nhiệm cao nhất là Trưởng ban, Thư ký đã thực hiện không đúng quy định chi tiêu, gây thất thoát lãng phí lớn. Để xảy ra sai phạm hàng tỷ đồng, nhiều bộ ngành như Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư phải chịu trách nhiệm quản lý tài sản, kế hoạch của nhà nước.
Từ nay trở đi, theo tôi, không nên giao đề án cho những ban điều hành không có chuyên môn, không có cơ chế làm việc. Một điều cần phải thay đổi trong tương lai là những lãnh đạo khi thấy mình không có khả năng phải biết từ chối, trình bày với Thủ tướng không nên phân công như thế. Còn đã nhận lời thì phải hoàn thành nhiệm vụ.
Việt Anh