Tiếp cận vốn đang là trở ngại lớn nhất với doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng như 3 lần giảm lãi suất trước đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV tỏ ra hăng hái nhất trong toàn bộ hệ thống. Kể từ 1/10, lãi suất 18,2% một năm sẽ áp dụng đồng loạt với các khoản vay ngắn hạn của tất cả khách hàng đang vay vốn tại BIDV, giảm 1,8 điểm phần trăm so với hiện nay. Đáng chú ý, lãi suất ưu đãi ở nhà băng này chỉ còn 17,5-17,8%, giảm 0,5-1,5 điểm phần trăm. BIDV ước tính sau 4 lần giảm lãi suất doanh thu có thể sụt giảm 650 tỷ đồng.
Hai trường hợp khác là Ngân hàng Công thương - Vietinbank và Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank đồng loạt đưa lãi suất cho vay thông thường xuống còn 19,5% một năm. Riêng Vietcombank quyết định dành thêm 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang chiếm tới 85% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, song rất khó tiếp cận vốn. Hiện tại, khối khách hàng này đang chiếm 22% trong tổng danh mục tín dụng của Vietcombank.
Theo chân các đại gia, Ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng cam kết giảm lãi suất cho vay xuống còn 20% kể từ ngày mai, thay vì mức 20,5% đang áp dụng.
Ngoài mục tiêu hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, động lực đáng kể để các ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất chính là quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước. Từ 1/10, các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lãi suất 5% một năm cho khoản tiền dự trữ bắt buộc đang gửi ở Ngân hàng Nhà nước, thay vì mức 3,6% một năm hiện nay. Cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ các ngân hàng thương mại bằng cách tăng gấp 3 lần lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 18-14/9, lãi suất cho vay ở khối quốc doanh trung bình khoảng 20% với kỳ hạn ngắn, và 20,5% với trung và dài hạn. Tại các ngân hàng cổ phần, lãi suất ngắn hạn trung bình 20,2% một tháng và dài hạn là 20,5%.
Hôm 23/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã gửi công văn tới Hiệp hội các ngân hàng để nghị giảm ngay lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Song Linh - Tần Vy