Diễn biến thiếu tiền đồng ngày càng căng thẳng đã khiến nhiều nhà băng, trong đó có cả những ngân hàng thương mại cổ phần lớn, tự động khóa van cho vay bất động sản dù không hề có "chỉ thị 03" cho thị trường này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Đặng Văn Thành cho biết: "Đang xem xét lại danh mục cho vay bất động sản một cách thận trọng". Sacombank chỉ xem xét cho vay với những khoản đầu tư địa ốc mà khách hàng có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Đại diện Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng tuyên bố thẩm định kỹ càng, cả với những trường hợp có nhu cầu thực sự về nhà ở. Những khách vay tiền mua cùng lúc vài căn nhà sẽ bị từ chối thẳng thừng. Eximbank chỉ ưu tiên những khách hàng có giao dịch truyền thống vay vốn.
Nhiều ngân hàng thương mại nhỏ và vừa, có dư nợ tín dụng lớn đã dừng hoạt động cho vay. Thậm chí những hợp đồng đã ký cũng phải tạm khất một thời gian.
Ngân hàng Doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank), sau một thời gian ngừng cho vay, hôm 18/2 đã tuyên bố bù một phần hoặc toàn bộ chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và tỷ lệ lạm phát thực tế cho người gửi tiền, nhằm giải quyết cơn khát tiền đồng đang ở giai đoạn đỉnh điểm.
Cụ thể, trong trường hợp tỷ lệ lạm phát thực tế lớn hơn lãi suất ban đầu nhưng không vượt quá 12%, người gửi tiền VPBank sẽ được bù toàn bộ phần chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát và mức lãi suất. Nếu tốc độ tăng giá tiêu dùng vượt quá 12%, người gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất 12% mỗi năm thay cho lãi suất ban đầu. Trong trường hợp tỷ lệ lạm phát thực tế thấp hơn lãi suất ban đầu, khách hàng sẽ hưởng theo đúng mức cao hơn.
Nhiều ngân hàng căng thẳng vì thiếu tiền đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở các ngân hàng quốc doanh lớn, tình hình bớt căng hơn, song việc giải quyết cho vay cũng không dễ dàng. Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCB) Nguyễn Phước Thanh cho biết nhà băng này không thiếu tiền đồng, nhưng sẽ chỉ giải quyết cho vay đối với những khách hàng thân thiết, có mối quan hệ lâu năm với VCB. Khách vãng lai từ các ngân hàng thương mại cổ phần khác sẽ bị từ chối.
"Cung tiền đồng như tấm chăn nhỏ, ấm tay thì sẽ lạnh chân", Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) Phạm Văn Thiệt ví von khi nói về dòng tiền đồng trên thị trường hiện nay.
Theo tỷ lệ bắt buộc trên tổng nguồn vốn, BIDV, Viettinbank và VCB là ba nhà băng phải mua tín phiếu bắt buộc nhiều nhất, 3.000 tỷ đồng mỗi đơn vị. Kế đến là ACB với 1.500 tỷ đồng, Sacombank 1.200 tỷ đồng. Các ngân hàng khác như Techcombank, Eximbank, Đông Á mỗi đơn vị được phân bổ mua 500 tỷ đồng. Saigonbank phải bỏ tiền ra ít nhất nhưng cũng lên tới 250 tỷ đồng. |
Theo ông Thiệt, không chỉ Eximbank mà các ngân hàng thương mại cổ phần khác đều đang mất thanh khoản tiền đồng do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước. Việc mất cung cầu trong thanh toán VND lên cao từ đầu tháng 2 khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm 1%, lên mức 11%. Lúc này cũng trùng với thời điểm trả lương, thưởng cuối năm vào mùa khiến cung tiền đồng trên thị trường trở nên căng thẳng. Ông cho hay, từ nay đến 17/3 (thời điểm bắt buộc mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước) tình hình sẽ căng như sợi dây đàn.
Theo ông Thiệt, dù phải mua tín phiếu ít hơn một số ngân hàng khác, song mức bắt buộc Eximbank mua 500 tỷ đồng tín phiếu đợt này tương đương với số dương huy động của nhà băng trong suốt một tháng trời.
Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thông tin, ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định phát hành tín phiếu bắt buộc hôm 15/2, nhiều nhà băng đã phải họp khẩn cấp để tìm biện pháp ứng phó tình trạng căng thẳng nguồn vốn đồng.
Liền sau đó, nhiều nhà băng tham gia đấu giá khoản vay ngắn hạn 1.000 tỷ đồng hôm 16/2 của Ngân hàng Nhà nước, khiến lãi suất cho vay qua đêm bị đẩy lên 30% mỗi năm, kéo theo lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng lên mức 35% một năm. Vào cuối tháng 12/2007, lãi suất này ở mức 17% một năm.
Giám đốc ngân hàng này cho biết thêm, 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm là ít, song vì tăng ở hầu hết các kỳ hạn nên tổng cộng mức điều chỉnh tương đương cũng phải từ 13% trở lên.
Đại diện Ngân hàng An Bình (ABBank) nói đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhiều nhà băng khác phải tự cứu mình trong tình trạng thiếu hụt tiền đồng bằng cách tăng lãi suất huy động, tạo thành cuộc đua căng thẳng. Trong danh sách này có VIBank, Techcombank, ABBank, Eximbank... và mới đây nhất là ACB và Sacombank. Hiện nay lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hầu hết ngân hàng đã lên mức 9,8% một năm, một số nhà băng vọt lên trên 10% một năm.
Ánh Hồng