Tàu chiến Nga tại cảng Sevastopol của Ukraina. Ảnh: Navy. |
Bộ Ngoại giao Ukraina cho biết họ sẽ nhắc nhở Matxcơva tuân thủ những sắc lệnh mà tổng thống nước này đưa ra, theo đó ngoài khu vực triển khai tạm thời hạm đội Biển Đen phải tuân thủ pháp luật của Ukraina.
Thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko hôm qua loại bỏ khả năng hạm đội Biển Đen sẽ ở lại Sevastopol sau khi hợp đồng hết hạn vào năm 2017. "Chúng tôi cần thực thi cam kết đến năm 2017 và sau đó cần biến Ukraina thành khu vực không có căn cứ quân sự", bà nói.
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói rằng Matxcơva muốn hạm đội Biển đen tiếp tục ở lại Sevastopol sau khi hết hạn hợp đồng vào năm 2017. Ukraina có vị trí chiến lược đối với Matxcơva bởi hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt của Nga sang phương Tây đi qua nước này. Ukraina cũng có một bộ phận dân số nói tiếng Nga và giữ quan hệ chặt chẽ với Nga.
Căng thẳng Nga - Ukraina lên cao sau khi một số tàu thuộc hạm đội Biển Đen rời cảng Sevastopol tới thả neo ngoài khơi Gruzia, trong suốt thời gian xung đột. Ukraina doạ không cho các tàu này trở về căn cứ do lo ngại bị kéo vào cuộc chiến. Tổng thống Ukraina Victor Yushchenko cũng yêu cầu việc di chuyển tàu chiến Nga tại Sevastopol phải được phép của Kiev.
Theo một thỏa thuận giữa Nga và Ukraina năm 1997, Hạm đội Biển Đen được đóng tại cảng Sevastopol cho đến năm 2017. Nhiều người Ukraina lo ngại sau khi giải quyết xong vấn đề với Gruzia, Matxcơva sẽ để mắt đến Kiev bởi nước này cũng đang nỗ lực tìm kiếm quan hệ mật thiết với phương Tây và gia nhập NATO.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn chính thức của Nga Ria Novosti hôm nay dẫn lời phát biểu của Tổng thống Ukraina Victor Yushchenko trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó lên án việc Nga "dùng vũ lực thôn tính" các khu vực ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia. Ông khẳng định Kiev sẽ không bao giờ công nhận độc lập của hai vùng đất này.
Trong thời gian qua, Kiev vốn bị chia rẽ giữa một bên lên án Matxcơva trong cuộc chiến với Gruzia và hướng đến mục tiêu gia nhập NATO, với một bên chủ trương "dĩ hòa vi quý" với nước láng giềng khổng lồ. Mâu thuẫn này đã góp phần dẫn đến sự đổ vỡ của chính phủ Ukraina hồi tuần trước.
Ngọc Sơn (theo Ria Novosti, AFP)