Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của RCB trong vòng một tháng qua. Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của RCB là hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài. Đây cũng là một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc bán đồng rúp để mua đồng đôla Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng mục đích của lần tăng lãi suất này là để hạn chế các tác động tiêu cực của việc đồng rúp mất giá. Lãi suất cho vay bằng đồng rúp cao sẽ hạn chế các ngân hàng dùng đồng rúp để mua ngoại tệ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn đối với ngân hàng, doanh nghiệp và người dân Nga.
Chính sách tiền tệ này của Nga được đánh giá là khá mạo hiểm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay, bởi nó chú trọng vào nhu cầu vay tiền của các nhà đầu tư nước ngoài hơn là nhà đầu tư trong nước.
Đồng rúp đã sụt giảm 1,2% giá trị so với đôla Mỹ và 0,7% giá trị so với đồng euro do giá dầu ngày càng giảm. Dự trữ ngoại hối của RCB đã giảm 25% trong vòng 4 tháng qua. Giá trị dự trữ ngoại tệ của RCB đã giảm xuống 449,9 tỷ USD tính đến ngày 21/11, so với 453,5 tỷ USD tính đến ngày 14/11. Nga hiện vẫn có dự trữ ngoại tệ đứng thứ 3 thế giới, sau Nhật, Trung Quốc, chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu thô và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Nga đã tăng thêm 190 tỷ đôla kể từ đầu tháng 8 do căng thẳng với Gruzia, giá cả hàng hóa giảm mạnh và chịu ảnh hưởng từ những hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu. Riêng trong tháng 10, số vốn đầu tư nước ngoài rút ra đã lên mức 50 tỷ đôla.
Hôm 27/11, RCB cho hay dự trữ quốc tế của ngân hàng này tuần qua đã giảm 3,6 tỷ USD, sau khi giảm 21,9 tỷ USD trong tuần trước đó. Trong tháng 9 và 10 vừa qua, RCB đã chi 57,5 tỷ USD để đẩy giá đồng rúp tăng lên. Trong những tuần gần đây, RCB đang bán ngoại tệ để mua đồng rúp nhằm đẩy giá nội tệ - hiện chịu sức ép giảm giá do tác động của khủng hoảng tài chính và lo ngại về sự trượt dốc của kinh tế Nga.
RCB cũng đang cố giành lại niềm tin của nhà đầu tư trong hoàn cảnh tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mức dự đoán. Tháng trước, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga đứng ở mức 14,2%, cao hơn mức 11,8% dự đoán của chính phủ. RCB dự đoán tỷ lệ lạm phát của năm nay sẽ ở con số 13%.
Các doanh nghiệp hiểu rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ là ổn định ngân sách nhưng chính sách tiền tệ có ảnh hưởng rất nhiều đối với việc kinh doanh và họ hi vọng chính phủ sẽ thực hiện chính sách “một đồng rúp yếu” trong tương lai gần. Ở khía cạnh khác khi đồng rúp yếu, có thể hỗ trợ xuất khẩu.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng từng tuyên bố, quy mô dự trữ tài chính của Nga cho phép nước này có thể sử dụng "tất cả phương tiện" để ngăn chặn sự sụt giảm giá trị của đồng rúp. Ông Igor Yurgens, chuyên gia cố vấn kinh tế của tổng thống Dmitry Medvedev, cho biết giá dầu đang rơi xuống mức nguy hiểm đối với đồng rúp. Tính đến cuối năm nay, đồng rúp có thể mất giá khoảng 9% so với USD.
Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Trường Đại học tổng hợp quốc gia Nga Yaroslav Kuzminov cuối tháng 10 vừa qua cho biết, Nga có thể chuyển sang sử dụng đồng rúp trong thanh toán với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Kuzminov, việc chuyển sang thanh toán quốc tế bằng đồng rúp là một "công cụ mạnh" giúp củng cố thị trường tiền tệ. Tuy nhiên ông cũng khẳng định rằng kế hoạch trên khó có thể trở thành hiện thực trong vòng hai năm tới vì trước khi triển khai kế hoạch, Nga sẽ phải bảo đảm sự ổn định của tỷ giá đồng rúp.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 27/10, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã chuẩn y chiến lược phát triển ngành ngoại thương Nga đến năm 2020, trong đó dự định thành lập trên lãnh thổ Nga Trung tâm Tài chính quốc tế và chuyển sang thanh toán với các nước tham gia Cộng đồng kinh tế Á - Âu bằng đồng rúp.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, trong một hội nghị quốc tế ở Pháp hồi đầu tháng 10, cũng đã đề nghị thành lập những trung tâm tài chính mới và tạo sức mạnh cho các đồng tiền khu vực. Mới đây nhất, trong buổi tiếp lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, đang ở thăm Nga, giới lãnh đạo Nga đã đề nghị tăng cường sử dụng đồng nội tệ của mỗi nước trong thanh toán thương mại song phương.
Nga cũng dự kiến sẽ đề xuất ý tưởng sử dụng các đồng nội tệ, thay vì USD, trong thương mại song phương. Đề xuất của Nga xuất phát từ viễn cảnh lạm phát gia tăng, đồng euro và USD mất giá. Mátxcơva cho rằng cần "sử dụng rộng rãi hơn" các đồng nội tệ trong thanh toán quốc tế, đồng thời hy vọng về khả năng đồng rúp có thể trở thành một trong những đồng tiền mạnh trong thanh toán quốc tế.
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn định, nhiều chuyên gia tiền tệ cho rằng đồng rúp Nga là một trong những ngoại tệ có triển vọng hơn cả, nhờ nền kinh tế Nga có nhiều nguồn dự trữ lớn. Khi đồng USD liên tục mất giá, nhiều nước đã tăng cường dự trữ ngoại tệ của mình bằng đồng tiền của các quốc gia khác. Theo nhận định của một số nhà kinh tế, trong những năm tới, đồng rúp Nga có đủ tiềm năng để trở thành ngoại tệ dự trữ.
Phương Trang (theo Bloomberg, AFP, TTXVN)