"Họ đang tiếp tục chính sách trừng phạt mà họ gọi là 'nỗ lực đánh bại chúng tôi một cách chiến lược", Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, nói ngày 3/11. "Họ sẽ phải chờ đợi trong vô vọng".
Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/11 tung ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp, công nghệ và lĩnh vực tài chính ở Nga. Trong số đó có lệnh trừng phạt với công ty Novatek liên quan việc phát triển, vận hành và sở hữu dự án ở Siberia có tên Arctic-2 LNG, dự kiến vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng tới thị trường toàn cầu.
Washington cũng nhắm mục tiêu vào một mạng lưới mà họ cáo buộc đã mua sắm các vật phẩm hỗ trợ hoạt động sản xuất máy bay không người lái tự sát KUB-BLA và Lancet đang được quân đội Nga sử dụng ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng "các biện pháp trừng phạt gây thêm nhiều vấn đề cho Nga. Nhưng chúng tôi đã điều chỉnh cho phù hợp, học cách vượt qua chúng".
Các lãnh đạo phương Tây và Ukraine nhiều lần tuyên bố tìm cách đánh bại Nga. Phương Tây đã phong tỏa hàng trăm tỷ USD tiền của Nga ở nước ngoài. Họ từng hy vọng sẽ gây khủng hoảng kinh tế cho Nga bằng những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhưng bất thành.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Nga là 2,2% và 1,1% vào năm 2024.
Mỹ là nhà xuất khẩu LNG lớn sang châu Âu. Nước này đang cố gắng giảm lượng xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu, bên chưa áp đặt lệnh cấm nào với LNG Nga.
Trong quý II năm 2023, Mỹ chiếm 46,4% tổng lượng nhập khẩu LNG của EU, tiếp theo là Nga (12,4%), Qatar (10,9%), Algeria (9,9%) và Nigeria (5,1%).
Hồng Hạnh (Theo Reuters)